Năm 2018 vừa qua, huyện Trạm Tấu đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 22/1/2018 về kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo; Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 22/2/2018 về kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, nhằm kiểm tra, giám sát các chương trình dự án được đầu tư, điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2018, tổng nguồn vốn cho Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt hơn 78,5 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 73,1 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 5,3 tỷ đồng).
Nguồn vốn trên đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Với hơn 15,8 tỷ đồng từ Chương trình 30a đã đầu tư xây dựng 10 công trình, trong đó nâng cấp thủy lợi Tà Ghênh, xã Bản Mù, kinh phí 816 triệu đồng; san tạo mặt bằng và hạng mục phụ trợ xã Hát Lừu, kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; công trình thủy lợi Giao Lâu, xã Pá Lau, kinh phí gần 2,6 tỷ đồng…
Chương trình 135, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với 10 công trình, kinh phí hơn 11,1 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, kinh phí thực hiện hơn 16,4 tỷ đồng, thực hiện đạt hơn 9,4 tỷ đồng (bao gồm hỗ trợ giống lúa, ngô giống, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng…
Ngoài ra, các ngành chức năng của huyện còn mở 75 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, ngô và chăm sóc gia súc, gia cầm với gần 4.000 lượt người tham gia; thực hiện mô hình thâm canh các giống lúa mới, lúa thuần, ngô lai... để đồng bào cùng thực hiện, học tập và làm theo).
Cùng với các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện còn triển khai nhiều tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, cận nghèo như: mở 11 lớp dạy nghề cho 330 lao động nông thôn; chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 425 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, với tổng dư nợ trên 18 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ về y tế, đã hỗ trợ mua 25.421 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, kinh phí trên 18 tỷ đồng.
Trong năm, các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh miễn phí cho 35.954 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số, kinh phí gần 5 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho con em hộ nghèo, người dân tộc thiểu số cũng được đặc biệt quan tâm, với tổng kinh phí hỗ trợ đạt gần 40 tỷ đồng và hơn 702 tấn gạo hỗ trợ cho 51.477 lượt học sinh và 199 giáo viên. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đã hỗ trợ 97 hộ với kinh phí hơn 5.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, người nghèo còn được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, hỗ trợ tiền điện, công tác bảo trợ xã hội và an sinh xã hội đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước.
Thông qua vận động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm đối với hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội cùng quan tâm hướng tới người nghèo. Năm 2018, huyện đã giảm được 7,15% hộ nghèo (Giảm từ 60% hộ nghèo năm 2017 xuống còn 52,85% năm 2018, tương đương với 331 hộ thoát nghèo).
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ huyện đến cơ sở, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và sử dụng hiệu quả các dự án được đầu tư; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng… để giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Thạch Phong