Năm 2018 là một năm nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện Văn Yên bởi thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng của các cơn bão cùng với dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại nặng nề. Điều đó càng đòi hỏi các cơ quan, địa phương và nhân dân trong huyện chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó.
Trước hết, ngành nông nghiệp Văn Yên chủ động tham mưu, đề xuất các phương án và phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân nhanh chóng khôi phục diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, đặc biệt đối với trên 300 ha lúa bị chết rét trong vụ đông xuân và trên 500 ha lúa, cây màu trong vụ mùa.
Việc tận dụng diện tích, thực hiện canh tác cánh đồng một giống, trồng ngô thâm canh mật độ cao, bố trí lịch thời vụ chặt chẽ, sử dụng cơ cấu giống hợp lý đã góp phần kiểm soát hiệu quả sâu bệnh, tăng năng suất, sản lượng lương thực trên địa bàn.
Năm qua, huyện gieo trồng 6.127 ha lúa, năng suất lúa nước cả năm trung bình là 51,3 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 31.409 tấn, bằng 101% kế hoạch năm.
Ngoài ra, diện tích trồng ngô đạt 6.236 ha, 4.892 ha sắn, mía 324,7 ha, rau đậu các loại trên 1.988 ha, trồng 2.882 ha rừng và duy trì độ che phủ của rừng đạt 65% …
Bên cạnh trồng trọt, Văn Yên tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Nhờ vậy, vượt qua những khó khăn về giá cả, dịch bệnh, thời tiết, ngành chăn nuôi của huyện tiếp tục có bước phát triển.
Đã có cơ sở chăn nuôi quy mô lớn từ 1.000 - 3.000 con lợn/lứa, từ 10 - 30 con trâu bò, từ 1.000 - 4.000 con gia cầm/lứa với hệ thống chuồng trại hiện đại, áp dụng qui trình chăn nuôi khép kín và công nghệ sinh học, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Toàn huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm là 837.658 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.691 tấn, đạt 100,5% kế hoạch năm, tăng 2,1% so với năm 2017. Huyện đã đạt 1.721,3 tỷ đồng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, đạt 100,7% kế hoạch năm, tăng 9,2% so với năm 2017.
Trong năm 2018, Văn Yên tiếp tục tập trung thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đề án trồng tre măng Bát độ đã thực hiện trồng 72,756 ha ở 4 xã: Lang Thíp, Lâm Giang, An Bình, Quang Minh. Các địa phương cùng cán bộ chuyên môn tích cực đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăm sóc tốt diện tích đã trồng và tiếp tục vận động nhân dân đăng ký trồng mới.
Đây cũng chính là nhiệm vụ được huyện chỉ đạo quyết liệt thực hiện trong vụ xuân 2019 với việc đảm bảo cung ứng giống tre măng Bát độ chất lượng. Huyện đã giải ngân 795 triệu đồng cho 49 cơ sở chăn nuôi theo chính sách hỗ trợ thực hiện đề án phát triển chăn nuôi với 25 cơ sở chăn nuôi trâu, bò từ 10 con; 1 cơ sở chăn nuôi trâu, bò từ 30 con; 9 cơ sở nuôi lợn kết hợp và 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm.
Các mô hình được hỗ trợ đã phát huy hiệu quả, gia tăng số lượng đầu đàn gia súc, gia cầm và góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Với 1 ha theo kế hoạch đề án nuôi trồng thủy sản, việc chuyển đổi từ ruộng kém hiệu quả sang ao nuôi cá đã hoàn thành và thực hiện hỗ trợ 55 triệu đồng.
Huyện cũng đã cấp 10.000 cây giống bưởi da xanh cho 37 hộ ở xã Đông An theo đề án phát triển cây ăn quả với mức kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 20 triệu đồng/ha. Các hộ đã trồng xong 20/20 ha, đạt 100% kế hoạch.
Đồng thời, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các chủ dự án hoàn thiện hồ sơ 4 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 gồm: rau, củ, quả an toàn; bưởi da xanh; tre măng Bát độ; canh tác sắn bền vững.
Kết quả đạt được trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đã giúp huyện Văn Yên có những chuyển biến tích cực cũng như góp phần ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.
Nguyễn Thơm