Là một trong những người chăn nuôi lợn có nhiều kinh nghiệm nhưng trong thời điểm này anh Hoàng Văn Kiên ở thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái vẫn chỉ duy trì tổng đàn ở mức ổn định, chưa dám tái đàn (TĐ) với số lượng lớn, bởi theo anh đây là thời điểm rất nhạy cảm nên khi TĐ có thể chịu rủi ro lớn.
Tâm lý của anh Kiên cũng là tâm lý chung của hầu hết các hộ chăn nuôi lợn thời điểm này khi nói về việc TĐ. Bên cạnh những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ không chủ động được con giống còn dè dặt khi TĐ thì những hộ chăn nuôi quy mô lớn, tự chủ được con giống bảo đảm thì vẫn TĐ bình thường và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Cụ thể, cùng ở xã Tân Thịnh nhưng gia đình ông Nguyễn Xuân Thắng ở thôn Trấn Ninh vẫn tiếp tục chăm sóc tốt lợn nái và con giống để vào đàn mới. Do thường xuyên được dọn vệ sinh ngày 3 lần, phun tiêu độc khử trùng tuần 2 lần và đàn lợn của gia đình ông cũng đã được tiên phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh LMLM, tụ huyết trùng, dịch tả nên đàn lợn của ông phát triển tốt, an toàn dịch bệnh.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi thú y, hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn trên 520 nghìn con. Mọi năm vào thời điểm này, nhu cầu TĐ của người dân tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn có diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi đã thận trọng hơn.
Cụ thể, dịch lở mồm long móng ( LMLM) xảy ra từ cuối năm 2018 đến ngày 14/3/2019 dịch còn xảy ra tại 38 hộ, 13 thôn, 5 xã thuộc 4 huyện với 470 con lợn mắc bệnh chưa qua 21 ngày.
Đến nay, dịch đã xảy ra tại 131 hộ, 56 thôn, bản thuộc 30 xã ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Mù Căng Chải và thành phố Yên Bái làm hơn 1.450 con lợn mắc bệnh; đến ngày 14/3/2019, có 25/30 xã, thị trấn đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.
Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: "Đến thời điểm này, mặc dù tại các ổ dịch LMLM đã khống chế được, không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi là điều kiện để vi rút phát sinh mạnh, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên dịch bệnh vẫn có khả năng phát tán và lây lan".
"Cùng đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hiện nay đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố và vẫn có dấu hiệu lan rộng nên nguy cơ lây nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh ta là rất cao. Vì vậy, người chăn nuôi cần thận trọng khi TĐ thời điểm này bởi nguy cơ rủi ro cao. Nếu có TĐ thì bảo đảm nguồn lợn giống phải rõ nguồn gốc, an toàn dịch bệnh; khi mua con giống về nuôi phải nhốt ra khu vực riêng, khử trùng, tiêm vắc - xin và theo dõi trong vòng 2 - 3 tuần, lợn thật sự khỏe mạnh mới cho nhập đàn” - ông Phương nói.
Để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển, không xảy ra dịch bệnh, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh DTLCP; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản khuyến cáo việc TĐ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn và công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh.
Ông Ninh Trần Phương nhấn mạnh thêm: cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng thì người chăn nuôi cần chủ động, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc TĐ vật nuôi; phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP đang có nguy cơ lây nhiễm cao.
Để đàn vật nuôi phát triển ổn định, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân nên tuân thủ các quy định trong công tác thú y; thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, làm tốt công tác dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại; thực hiện ký cam kết "5 không” (không nuôi thả rông gia súc, gia cầm; không mua bán gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi) tới các hộ chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm…
Hồng Duyên