Cùng với bón thúc đợt 1, bà con còn kết hợp với làm cỏ để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với cây lúa. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, ấm nóng và mưa phùn là điều kiện phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại lúa. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn và nông dân trong huyện chủ động thăm đồng, phát hiện các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Là vùng trọng điểm lúa của huyện Lục Yên, vụ xuân năm 2019, xã Minh Xuân gieo cấy được 200 ha lúa xuân, trong đó, cơ cấu giống lúa lai chiếm 70%, còn lại là các loại lúa thuần, giống được gieo cấy chủ yếu là Kim cương 111, Nghi hương...
Ông Hoàng Chí Viện - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: "Xác định đây là vụ chính trong năm, vì vậy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo sát sao, giao trọng trách cho khuyến nông viên cơ sở xuống địa bàn nắm bắt tình hình sâu bệnh hại để hướng dẫn bà con chăm sóc nhằm đảm bảo một vụ xuân được thắng lợi”.
Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Hiện nay, lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ và toàn huyện có trên 140 ha lúa bị sâu bệnh hại như: ốc bươu vàng 78 ha, ruồi đục nõn 35 ha, bọ xít đen 30 ha… Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp huyện tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa xuân, thực hiện bón phân theo đúng quy trình, tiến hành diệt chuột, ốc bươu vàng bảo vệ lúa".
"Ðồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức điều tiết nước hợp lý, trong đó, đối với lúa cấy luôn duy trì mực nước nông 3 - 5cm để giữ ấm cho cây, giúp bén rễ hồi xanh nhanh. Với lúa gieo thẳng, khi có từ 2 - 2,5 lá, cần giữ ẩm mặt ruộng bằng cách luôn giữ nước ở rãnh để lúa gieo thẳng mọc nhanh, tuyệt đối không để ruộng khô hạn hoặc ngập nước. Khi cây lúa đạt từ 2 - 3 lá, nông dân chủ động đưa nước láng chân, bón phân NPK cho lúa, tiến hành tỉa dặm bảo đảm mật độ 90 - 110 cây/m2. Huyện cũng khuyến cáo bà con cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để đảm bảo một mùa vụ đạt năng suất cao”. Ông Số nói.
Theo dự báo từ đầu tháng 5, trên diện tích lúa xuân sẽ có chuột, sâu đục thân, tập đoàn rầy, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá... tiếp tục phát sinh gây hại.
Để chủ động phòng, trừ sâu bệnh gây hại lúa xuân, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa. Đề nghị bà con tổ chức thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh, phun thuốc phòng, trừ kịp thời các diện tích đã nhiễm theo nguyên tắc 4 đúng, gồm: "Đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách" không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
Quang Thiều