Đổi thay Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2019 | 1:59:18 PM

Huyện Mù Cang Chải có 91% dân số là đồng bào Mông, trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển chậm, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, nhất là từ khi huyện triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Mô hình trồng cải dầu ở xã Nậm Khắt.
Mô hình trồng cải dầu ở xã Nậm Khắt.

Là địa phương được chọn làm điểm XDNTM của huyện, xã Nậm Khắt xác định rõ mục tiêu là phải tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ để nâng cao thu nhập của nhân dân. Trên cơ sở đó, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ  khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. 

Với cách làm này, xã đã xuất hiện nhiều hộ không những thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu, điển hình như các hộ: Xủng Thị Vang ở bản Pú Cang với mô hình trang trại tổng hợp; ông Thào A Phổng ở bản Hua Khắt có mô hình chăn nuôi lợn rừng; ông Sùng A Giàng ở bản Pú Cang với mô hình nuôi gà đen; ông Giàng A Chống ở bản Xua Long với mô hình nuôi ong mật và trồng rừng kinh tế... Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Nậm Khắt đạt 15 triệu đồng/người/năm. Nậm Khắt đã đạt được 8/19 tiêu chí về XDNTM. 

Còn với xã Lao Chải thì lại là một trong những xã thực hiện hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM và đô thị văn minh”. Thời gian qua, Lao Chải đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chí, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động đến mọi người dân. 

Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của mỗi loại sản phẩm. Bằng cách làm này, cuộc sống của người dân trong xã ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, 14 bản toàn xã đã ký cam kết thực hiện tốt quy ước, hương ước do nhân dân tự xây dựng và đề ra. 

Năm 2018, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai nhưng được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy Mù Cang Chải, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển ổn định. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo nhân dân gieo cấy 2 vụ lúa, ngô/năm và trồng thêm các loại cây rau màu khác, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 42.074 tấn/năm. 

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định và năm 2018, tổng đàn gia súc của huyện tăng lên 63.300 con, giá trị sản xuất nông - lâm, nghiệp, thủy sản đạt 433 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 7,6% năm 2018, toàn huyện đã có trên 1.000 hộ thoát nghèo. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện mới đạt 8 triệu đồng/người/năm thì 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng lên 19 triệu đồng/người/năm. 

Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch, những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải đã tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang; mời gọi các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch. 

Triển khai thực hiện tốt Đề án "Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và Di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Đội Du kích Khau Phạ giai đoạn 2016 - 2020”, huyện cũng đã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch để thu hút du khách đến thăm quan vào các dịp như: mùa nước đổ, mùa lúa chín, mùa hoa cải... 

Để đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách, người dân đã đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch Homestay. Hiện nay, du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Khu du lịch sinh thái Ecolodgi ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt tuy mới đi vào hoạt động hơn một năm nay nhưng đã tạo được việc làm, ổn định thu nhập cho nhiều lao động ở mức trung bình từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, chương trình XDNTM...; huyện chú trọng đầu tư điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi chung như thủy lợi, hỗ trợ sản xuất, cung ứng cây, con giống giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Những phong tục, tập quán lạc hậu dần dần được xóa bỏ, bà con đã thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. 

Chí Sinh

Tags Huyện Mù Cang Chải

Các tin khác

30/30 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 17 chỉ tiêu vượt trong năm 2018 chính là cơ sở, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình tiếp tục có những đột phá mới nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn trong năm 2019 - năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Vụ xuân 2019, huyện Lục Yên gieo cấy 3.350 ha lúa, đạt 100% kế hoạch. Đến nay, lúa đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh và phát triển. 

Đến nay, toàn huyện đã trồng 1.805/2.908 ha cây rừng vụ xuân, đạt 62% kế hoạch.

Ngành đường sắt sẽ tăng cường hàng trăm đoàn tàu Bắc-Nam và tàu địa phương trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.

Ngành đường sắt quyết định tăng thêm hàng trăm chuyến tàu Bắc-Nam và tàu địa phương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục