Theo khảo sát, hầu hết các chung cư trên địa bàn Hà Nội đều có group riêng trên mạng xã hội. Với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người, kéo theo đó nhu cầu chợ online cũng phát triển nhanh chóng. Một chung cư có tới 2-3 chợ online, trong đó nhiều chợ có ban quản lý điều hành, thu phí chợ và kiểm duyệt các thành viên.
Ưu điểm của các chợ online này là ngay khu cư dân đang sinh sống, tiện giao hàng và mua sắm bất cứ lúc nào. Thậm chí, nửa đêm, cư dân vẫn có thể mua được hàng nếu có nhu cầu mà không mất phí ship.
Đơn cử, một chợ của cư dân HH Linh Đàm có số lượng trên 130 nghìn thành viên. Để tham gia vào chợ này, trở thành người mua hàng, các tài khoản facebook phải đăng ký và chờ duyệt do đây là chợ "kín”, các thành viên bên ngoài không nhìn thấy được. Các thành viên được phép rao tin bán hàng nhưng sẽ bị kiểm duyệt.
Để có quyền lợi đăng bán sản phẩm 3 lần trong ngày, được livestream trong chợ để bán hàng, mỗi thành viên phải đóng phí chợ là 500 nghìn đồng/tháng. Theo chia sẻ, số tiền này sẽ được chi trả vào việc quản lý duy trì hoạt động của group và tổ chức các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, chợ cũng quy định chặt chẽ các tin đăng lên phải trực tiếp không được chia sẻ hay chèn link từ nhóm khác.
Thành viên của chợ này khá đông đảo bao gồm khu Linh Đàm, Bằng Liệt, Đại Thanh, Định Công, thậm chí cả những người trên phố. Số lượng thành viên khá đông nên họ rao bán đủ mọi thứ, nếu ở xa thì họ sẽ ship tới tận Linh Đàm.
Nhiều cư dân chỉ cần ở nhà có người đi chợ giao hàng tận nơi
Tương tự, một chợ online của chung cư Dương Nội, để thuê vị trí đẹp bán hàng, các thành viên cũng phải đóng phí. Chợ này quy định rõ chỉ cư dân mới được tham gia và phải niêm yết giá, số điện thoại, địa chỉ người bán hàng rõ ràng nếu không sẽ bị xóa bài mà không cần báo trước.
Anh Nguyễn Quỳnh, admin Cư dân HUD3 Linh Đàm, cho hay, dân ở chung cư thường là các gia đình trẻ, công nhân viên chức nên thời gian chợ búa hạn hẹp, mua sắm online nhiều. Những group cư dân tập hợp thành viên có chung nhu cầu, chung vị trí, chung sở thích.
Theo anh Quỳnh, các group bán hàng thì cộng đồng phải nhiều thành viên cư dân hoạt động khá hiệu quả. Bên cạnh đó, có sự tham gia của các đơn vị bên ngoài vào thì dịch vụ mới sôi động đúng như "chợ đầu mối”. Còn các group cư dân chung cư nhỏ, ít thành viên thì tương tự như chợ làng.
"Các chợ nhỏ, hầu hết là người của chung cư mới được bán hàng, nhưng các chợ lớn như HH thì tương tác khá lớn, tôi thấy bán hàng hiệu quả, nhưng phải nộp vé chợ cho admin”, anh Quỳnh nói.
Sáng, chiều thậm chí cả đêm cũng đông người mua, người bán
Đánh giá về hiệu quả của các chợ online chung cư, anh Lưu Quang Pháp, chủ shop The Peace House cho rằng, nhiều chợ dân cư đông đảo thành viên nên bán hàng khá hiệu quả. Mặc dù vậy, mức giá bán phải rẻ và thường xuyên tương tác.
"Chợ online cũng giống như chợ thật, phải bỏ chi phí hàng tháng để có chỗ bán. Dù bỏ ra mức phí hàng tháng mà kinh doanh hiệu quả thì cũng đáng đồng tiền”, anh nói.
Anh Dương Tú, chủ quán Phở Huy, cho hay, việc quảng cáo trên các chợ chung cư online khá hiệu quả. Mức phí cũng khá cao, với những chợ online có khoảng 135 nghìn thành viên, mức phí 500 nghìn đồng/tháng. Còn với những chợ 110 nghìn thành viên thì mức giá là 1,5 triệu đồng cho 15 ngày đăng thông tin.
Do phát triển tự phát và không có nhiều sự quản lý, nhiều chợ online sớm nở chóng tàn. Theo anh Quỳnh, chợ online mở tràn lan dẫn tới tình trạng không ai quản lý, chỉ bài viết bán hàng nên không có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xảy ra dù người bán là cư dân ngay tại tòa nhà. Chị Tuyết Mai, một cư dân ở KĐT Kim Văn Kim Lũ, kể rằng: "Mình thấy cư dân bán rẻ có mua ủng hộ nhưng ai ngờ về hàng kém chất lượng. Ai nghĩ cư dân sống với nhau mà còn như vậy”.
(Theo Dân Trí)