Hơn 10 năm nay, người dân ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã thay đổi tư duy canh tác chè từ nhỏ, lẻ sang sản xuất tập trung, xây dựng sản phẩm chè shan tuyết hữu cơ an toàn. Có được sự thay đổi ấy là nhờ sự tích cực vận động, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã và đặc biệt là việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) Chè hữu cơ do chính nhân dân tự quản lý.
Những năm trước đây, người dân ở Bu Cao đã khai thác chè giống shan tuyết nhưng chỉ nhỏ, lẻ, tự phát, đầu ra bấp bênh và thường xuyên bị ép giá. Nhận thấy tiềm năng của cây chè, cấp ủy, chính quyền xã Suối Bu đã vận động nhân dân thôn Bu Cao tích cực chăm sóc, cải tạo, đưa cây chè phát triển thành cây kinh tế mũi nhọn.
Đến năm 2006, cùng với một số hộ dân ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, 104 hộ dân ở thôn Bu Cao với tổng diện tích chè lên đến 65 ha đã thành lập CLB Chè hữu cơ với mục đích tuyên truyền, vận động và quản lý người dân canh tác chè theo hướng hữu cơ bền vững.
Theo đó, các thành viên CLB được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè tươi với Công ty TNHH Thanh An, giúp người dân ổn định đầu ra với giá tốt. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng cũng có những ràng buộc nhất định, đặc biệt là việc kiểm duyệt tồn dư thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật trong đất và trên sản phẩm chè tươi.
Đầu vụ chè mỗi năm, các thành viên đối tác của Công ty đều vào tận đồi chè để lấy mẫu xét nghiệm đất. Nếu trong đất có tồn dư thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, bên mua sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và người bán sẽ phải chờ ít nhất 4 năm nữa mới có thể bán chè lại cho Công ty vì tồn dư thuốc phải mất từng ấy thời gian mới có thể phân hủy.
Để không xảy ra những sự việc đó, CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt, họp bàn, nghiêm túc kiểm điểm, phê bình các hộ vi phạm. Việc tuyên truyền vận động này còn được lồng ghép trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể.
Anh Mùa A Chang - Trưởng thôn Bu Cao, Phó chủ nhiệm CLB Chè hữu cơ cho biết: "Chè ở Bu Cao được sản xuất để xuất bán ở nước ngoài nên yêu cầu kiểm duyệt sản phẩm rất khắt khe nhưng cũng chính vì thế mà giá bán lúc nào cũng cao và ổn định hơn thị trường. Bởi vậy, chúng tôi khi đi tuyên truyền luôn lấy lợi ích của bà con để tác động trực tiếp. Bà con trực tiếp chứng kiến những hộ vi phạm phải bán sản phẩm ra thị trường với giá thấp và bấp bênh sẽ tự mình điều chỉnh, quản lý việc canh tác của gia đình".
Bằng cách làm này, những năm gần đây, ở Bu Cao không có hộ nào vi phạm, việc canh tác theo hướng hữu cơ an toàn đã dần trở thành một thói quen với đồng bào Mông nơi đây. Cũng nhờ đó mà nhiều hộ dân ở Bu Cao đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Anh Mùa A Khư ở thôn Bu Cao chia sẻ: "Năm 2002, gia đình tôi có 2 ha chè. Lúc ấy chỉ bán lẻ cho lái buôn, bấp bênh và không ổn định về giá. Vì thế, 5 khẩu của gia đình lúc nào cũng thiếu đói. Đến khi tôi tham gia CLB, được mọi người hướng dẫn các kỹ thuật, gia đình tôi đã tích cực chăm sóc, cải tạo, nói không với thuốc hóa học và dần dần trồng mới nâng diện tích lên 5 ha".
"Giờ đây, chè bán cho Công ty ổn định về giá, một năm thu 3 lứa chè, mỗi lứa khoảng 1 tấn, gia đình tôi tích cóp đã xây được căn nhà cấp bốn kiên cố và thoát nghèo đã 4 năm nay rồi" - anh Khư cho biết thêm.
Việc thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp từ thuần túy sang phát triển chất lượng cao, hướng tới sản phẩm hữu cơ, an toàn không những đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân thôn Bu Cao mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và sự cạnh tranh của thị trường.
H.A