Không để bất ngờ trước mọi tình huống thiên tai

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2019 | 7:56:44 AM

YênBái - Trong nhiều năm trở lại đây, diễn biến thời tiết, thiên tai vô cùng phức tạp. Trên địa bàn Yên Bái thời gian qua, nhất là trong năm 2018, liên tục xảy ra thiên tai, bão lũ với diễn biến dị thường, khó lường và ngày càng cực đoan, dữ dội, khốc liệt.

Tổng thiệt hại về kinh tế do bão lũ, thiên tai gây ra trong năm 2018 ước trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Lực lượng vũ trang dựng lều bạt và vận chuyển lương thực chuẩn bị cấp phát cho người dân vùng lũ (ảnh minh họa).
Tổng thiệt hại về kinh tế do bão lũ, thiên tai gây ra trong năm 2018 ước trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Lực lượng vũ trang dựng lều bạt và vận chuyển lương thực chuẩn bị cấp phát cho người dân vùng lũ (ảnh minh họa).

Năm 2018, mặc dù Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết rất phức tạp, khó lường. Trên địa bàn xảy ra 15 đợt thiên tai (2 đợt rét đậm, rét hại; 11 trận mưa kèm giông lốc; 2 mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất). 

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và áp thấp nhiệt đới từ đêm ngày 19/7/2018 đến 21/7/2018, trên địa bàn có mưa to trên diện rộng, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… ,9/9 huyện, thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và của. 

Tình hình bão lũ diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, Yên Bái đã nỗ lực triển khai phòng ngừa và khắc phục, phục hồi tái thiết sau thiên tai. UBND tỉnh đã huy động trên 18.000 người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó lực lượng quân đội, công an trên 3.000 người, còn lại là lực lượng tại chỗ của các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh còn được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 cử trên 300 chiến sỹ với trên 19.000 ngày công tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai… 

Ngay sau bão lũ, Yên Bái đã huy động các nguồn lực, chỉ chưa đầy 20 ngày đã bố trí, làm mới 161 nhà tai sđịnh cư, giúp người dân có chỗ ở an toàn, ổn định; quy hoạch, san gạt và di dời, dựng nhà cho hàng trăm hộ dân ra khỏi nơi nguy hiểm. 

Năm qua, Yên Bái đã huy động gần 400 tỷ đồng vốn ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh sửa chữa, nâng cấp, khắc phục cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất. 

Dẫu đã được khắc phục, đời sống nhân dân ổn định nhưng hậu quả của thiên tai để lại vẫn còn rất nặng nề, không dễ gì khắc phục trong ngày một ngày hai, cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, công tác phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn còn có những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục. Khó khăn lớn nhất là địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, dân cư sinh sống không tập trung nên khó khăn trong công tác tuyên truyền; hiện tượng thời tiết ngày một cực đoan, mưa to gây lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất diễn ra liên tục. Thế nhưng chưa có cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất nên các địa phương và người dân còn thụ động trong việc phòng, chống khi thiên tai xảy ra. 

Một vấn đề nữa là thiếu quỹ đất an toàn để di dời, vận động các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới, nhất là ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành còn chủ quan; việc chỉ đạo, giám sát, kiểm tra chưa sâu sát, thiếu kiên quyết. Việc khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi vốn ngân sách còn hạn hẹp, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. 

Mùa mưa bão 2019 đã bắt đầu và được dự báo là ít hơn nhưng cường độ lại mạnh hơn, dị thường hơn. Lũ quét và sạt lở đất tiếp tục là mối đe dọa, là thiên tai nguy hiểm gây thiệt hại nặng nề nhất. Do vậy, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động phòng chống thiên tai. 

Các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng phương án phòng chống thiên tai tại thôn, bản, xã, phường và đơn vị mình một cách sát thực tế; tổ chức thường trực phòng chống thiên tai 24/24h trong cả mùa mưa bão, tiếp nhận thông tin và theo dõi chặt diễn biến thời tiết để kịp thời thông báo tới các hộ dân chủ động phòng tránh; tăng cường công tác quản lý các công trình phòng chống thiên tai như hồ chứa, hệ thống kè, đê điều…; tổ chức giải phóng, hót, nạo vét các vật cản, công trình trên hệ thống sông, suối đảm bảo thông chảy trước mùa mưa; chuẩn bị "4 tại chỗ” sẵn sàng lực lượng ứng cứu. Mỗi người dân vùng lũ thường bị ngập lụt cần mua sắm thuyền, bè mảng và dự trữ lương thực, thực phẩm ít nhất trong vòng 5 ngày để phục vụ chính gia đình khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, có kế hoạch bảo vệ gia súc, gia cầm, cây con giống để phục hồi sản xuất ngay sau bão lũ…

Năm 2018, thiên tai đã cướp đi sinh mạng 21 người (Văn Chấn 11, Mù Cang Chải 7, Văn Yên 2, Trấn Yên 1) và 1 người mất tích; 25 người bị thương; 5.759 nhà bị thiệt hại, trong đó có 161 sập đổ, trôi hoàn toàn, 156 nhà phải di dời do sạt lở, lũ quét, 4.809 nhà bị ngập nước… 4.450 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề; 2.634 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 584 ha nuôi trồng thủy sản và 3.886 m3 lồng cá bị thiệt hại. 

Trên quốc lộ có 472 điểm sạt lở ta luy với khối lượng trên 84.000 m3, hơn 2 km mặt đường bị hư hỏng. Đường tỉnh có 178 điểm sạt lở ta luy với khối lượng đất đá trên 68.000 m3… 549 công trình thủy lợi hư hỏng, hơn 3 km kè chống lũ hư hỏng… 

Ước tổng thiệt hại về kinh tế do bão lũ, thiên tai gây ra trong năm 2018 là trên 1.000 tỷ đồng. 

Ngọc Trúc

Tags Yên Bái thiên tai

Các tin khác

Trong quý I năm 2019, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc tại các xã, thị trấn trong huyện.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển rộng tại nhiều huyện trong tỉnh mang lại nguồn thu nhập cho người dân. (Ảnh: Minh Huyền)

Nghề dâu tằm giờ đây không chỉ hiện diện ở huyện Trấn Yên mà lan rộng ra Văn Yên, Văn Chấn. Mỗi héc - ta trồng dâu nuôi tằm ở các xã Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã cho thu nhập tới 200 triệu đồng/năm. Cây dâu, con tằm tạo nên một nghề mới có thu nhập khá ở các vùng quê.

Thị xã Nghĩa Lộ huy động các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra năm 2018.

Thị xã Nghĩa Lộ tuy diện tích nhỏ, địa hình bằng phẳng nhưng lại nằm ở hạ lưu 3 con suối lớn chảy qua gồm: suối Nung, suối Thia, Nậm Tộc; 5/7 xã, phường có suối chảy qua, chưa kể hệ thống kênh mương, thủy lợi, ao, hồ được xây dựng và phát triển dày đặc…

Lãnh đạo Ban Dân tộc Trung ương và huyện Văn Yên trao đổi với người dân về các chính sách hỗ trợ cho người nghèo.

Năm 2018, toàn xã có 86 hộ thoát nghèo, trong đó, có 42 hộ dân tộc thiểu số vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục