Tuy phần lớn số vụ cướp ngân hàng xảy ra đều được cơ quan công an khám phá thành công, kẻ gian đã bị bắt giữ, một phần hoặc toàn bộ số tiền chúng cướp đã được thu hồi nhưng số vụ và tính chất các vụ cướp cho thấy, phòng giao dịch các ngân hàng đã không còn an toàn và trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm.
Yên Bái chưa phải là địa phương có số phòng giao dịch ngân hàng lớn, tình hình an ninh trật tự tương đối bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà chủ quan bởi tội phạm về trật tự xã hội ngày càng trở nên phức tạp, các đối tượng sử dụng vũ khí "nóng”, hành vi gây án táo tợn, khi bị phát hiện sẵn sàng manh động hòng chạy thoát.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những vụ cướp ngân hàng xảy ra trong thời gian qua đều cùng hệ thống với các ngân hàng tại Yên Bái (điều đó có nghĩa, cùng chung các giải pháp bảo đảm an toàn kho quỹ nói chung và của ngân hàng thương mại đó nói riêng).
Theo ghi nhận của chúng tôi, vấn đề bảo đảm an toàn kho quỹ luôn được các ngân hàng thương mại đặt lên hàng đầu và có sự kiểm tra, giám sát từ phía Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, các ngân hàng đều thực hiện nghiêm các quy trình trong giao dịch, có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, trang bị các công cụ hỗ trợ; lắp đặt đầy đủ hệ thống báo động, camera giám sát, duy trì lực lượng canh gác tại chỗ 24/24 giờ, ký kết phối hợp với lực lượng công an tại địa phương trong việc bảo đảm trật tự an toàn cũng như xây dựng phương án sẵn sàng xử lý mọi tình huống xảy ra...
Tuy nhiên, các ngân hàng đã xảy ra các vụ cướp đều thực hiện như vậy nhưng kẻ cướp vẫn gây án thành công, lấy đi hàng tỷ đồng rồi tẩu thoát, gây ra khó khăn rất lớn cho công tác điều tra, khám phá. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Trước hết phải thẳng thắn đánh giá rằng, có sự chủ quan nhất định từ phía ngân hàng! Để chứng minh điều này, chúng tôi tới tham quan hàng loạt các phòng giao dịch trên địa bàn từ BIDV, Agribank đến VietinBank... và nhận thấy, rất nhiều khách hàng bước chân vào phòng giao dịch nhưng vẫn đội mũ, trong đó có cả mũ bảo hiểm. Chuyện nữ khách hàng vào phòng giao dịch nhưng đội mũ, đeo khẩu trang, đeo kính râm, mặc áo chống nắng... khá phổ biến.
Với trang phục như vậy thì camera thực sự đã bị vô hiệu hóa. Có thể nói, đây là một lỗi sơ đẳng trong quá trình bảo đảm an toàn của các ngân hàng trên địa bàn và cần được chỉ đạo khắc phục sớm. Nhân viên lễ tân có thể lễ phép đề nghị khách hàng bỏ mũ, kính, khẩu trang... trước khi vào giao dịch. Theo đó, ngân hàng bố trí nơi để khách hàng gửi đồ, chắc chắn sẽ không phiền phức gì, chưa kể qua đó càng thể hiện phong cách văn minh, lịch sự.
Đối với lực lượng bảo vệ, có thể nói, thời gian qua, các ngân hàng đã bỏ ra một khoản kinh phí đáng kể để thuê các công ty vệ sỹ chuyên nghiệp làm công tác bảo vệ tại các phòng giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn trong câu chuyện này. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn số vệ sỹ đều hết tuổi lao động, nghỉ chế độ và xin tham gia làm vệ sỹ để tăng thêm thu nhập.
Không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác tại các phòng giao dịch. Thiết nghĩ, các ngân hàng thương mại cần có những giải pháp tích cực hơn như: lắp đặt thêm hệ thống camera, chuông báo động; chấn chỉnh quy trình bảo đảm an toàn; yêu cầu các công ty vệ sỹ bố trí nhân lực đáp ứng yêu cầu; tiến tới phối hợp với lực lượng công an bố trí cảnh sát bảo vệ với trang bị tốt hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn làm công tác bảo vệ tại những mục tiêu trọng yếu hoặc khu dân cư thưa thớt.
Lê Phiên