Năm 2018, xã Sơn Thịnh thu hoạch gần 700 tấn quả có múi, tăng gần 300 tấn so với năm 2017 và khẳng định việc phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai và mở rộng diện tích cây ăn quả có múi là bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện. Huyện cũng đã đưa vào thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2018 - 2020” với diện tích hơn 100 ha tại 2 xã Sơn Lương và Chấn Thịnh.
Đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích đất kém hiệu quả và đất soi bãi. Việc phát triển nghề nuôi tằm sẽ giúp người dân có thêm nghề mới để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống.
Đây chỉ là hai trong nhiều mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Cùng đó, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt từ 1.500 tỷ đồng trở lên, Văn Chấn đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tái cơ cấu nội ngành và đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện giai đoạn 2015 - 2020.
Trong đó, huyện đưa vào thực hiện quy hoạch gắn vùng sản xuất chuyên canh với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể; tận dụng các tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Cụ thể, đối với vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các xã vùng cánh đồng Mường Lò, huyện tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống đường giao thông nội đồng, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; tăng cường và nâng cao mối liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao để nâng cao giá trị của sản phẩm.
Đối với vùng cây ăn quả đặc sản, huyện tập trung phát triển cây ăn quả có múi tại các xã vùng ngoài bằng giải pháp tiếp tục đầu tư nguồn vốn khuyến khích chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cam, quýt già cỗi, kém hiệu quả bằng những giống cam, quýt mới, sạch bệnh có năng suất, chất lượng cao; áp dụng các quy trình sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, bền vững (VietGAP) và xây dựng nhãn hiệu cam Văn Chấn cho các năm tới. Đối với vùng sản xuất chè an toàn, huyện chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực duy trì, mở rộng quy trình sản xuất chè VietGAP, bởi huyện đã được chứng nhận chè an toàn theo các nhóm hộ.
Cùng đó, nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp tươi chế biến và xây dựng các vùng chè sản xuất chuyên canh, tập trung cần có các chính sách đầu tư, hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ gắn liền với vùng sản xuất như: hệ thống đường giao thông, các điểm thu gom và xử lý chất thải… để người sản xuất chè được thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc, thu hái và vận chuyển sản phẩm.
Riêng với vùng chè đặc sản Suối Giàng, huyện tập trung phát triển và bảo tồn diện tích hiện có, giữ và phát triển thương hiệu chè Suối Giàng, tiến tới xây dựng nhãn hiệu chè hữu cơ và thành lập ngạch thương mại bình đẳng cho sản phẩm chè Suối Giàng.
Được biết, huyện Văn Chấn đang tăng cường chuyển giao khoa học - công nghệ và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp; liên kết với các viện, trung tâm khoa học của trung ương, tỉnh và hình thành Trung tâm Chuyển giao khoa học, kỹ thuật là đầu mối tiếp nhận, thử nghiệm, trình diễn các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao; đẩy mạnh các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc, nâng cao hiệu quả cây trồng, chống xói mòn, giữ ẩm cho đất, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Hiện nay, Văn Chấn đang tăng cường tuyên truyền hợp tác trong sản xuất như: thành lập các tổ hợp tác, các nhóm hộ sản xuất hướng tới tích tụ đất sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để sản xuất ra các sản phẩm an toàn sinh học.
Trần Ngọc