Trấn Yên phấn đấu trở thành huyện NTM đầu tiên của Yên Bái vào năm 2020. Bộ mặt kinh tế nông thôn Trấn Yên đang phát triển bền vững. Huyện không chỉ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đơn thuần mà còn phù hợp tập quán và thực tế địa phương cũng như quy hoạch, định hướng của tỉnh, huyện.
Nhờ vậy, đến nay đã có nhiều mô hình kinh tế rất hiệu quả, được nhân dân đầu tư mở rộng và hình thành vùng sản xuất hàng hóa như: trồng măng tre Bát độ, quế sạch, dâu tằm, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Hồng Ca là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện. Suốt thời gian dài, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Những cánh rừng già bạt ngàn với nhiều gỗ quý hiếm cũng thưa dần, rồi người dân đi đào măng, chặt củi bán để kiếm sống nên cái đói, cái nghèo cứ bám lấy người dân.
Trước thực trạng đó, huyện, xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân Hồng Ca tích cực đầu tư thâm canh lúa nước, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tận dụng lợi thế đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi làm nền tảng cho xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài cây lúa, chăn nuôi, xã xác định tre măng Bát độ và cây ăn quả là cây chủ lực làm hàng hóa.
Đến nay, xã có gần 400 ha tre măng Bát độ đã cho thu hoạch với sản lượng măng đạt trên 4 ngàn tấn/năm mang về một nguồn thu không nhỏ.
Khuôn Bổ là thôn đặc biệt khó khăn và cũng là thôn nghèo nhất xã Hồng Ca, với 100% người Mông sinh sống. Nhưng hôm nay, với gần 100 ha tre măng Bát độ đã đem về nguồn thu ổn định, giúp người dân không còn lo cái ăn, cái mặc mà nhiều hộ còn có thu nhập cao, xây được nhà, mua sắm trang thiết bị đắt tiền nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hồng Ca đã và đang quy hoạch phát triển diện tích tre măng Bát độ thêm 500 ha nữa tại các thôn: Hồng Lâu, Khe Ron, Khe Tiến, Chi Vụ…
Không chỉ cây tre măng Bát độ mà trên 100 ha cây ăn quả có múi cũng đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân trong xã.
Anh Nguyễn Chí Công ở thôn Nam Hồng là một điển hình. Với 500 triệu tiền vốn, anh đã đầu tư trồng 4 ha cây ăn quả bằng giống cam Vinh, cam đường canh, cam V2 và bưởi da xanh, bưởi Diễn… Sau 3 năm kiến thiết cơ bản, diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch.
Năm 2018, anh thu gần một tỷ đồng và sau khi trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng. Cũng như anh Công, anh Lương Đình Khương ở thôn Nam Hồng năm qua cũng thu trên 500 triệu đồng từ trồng cam, quýt.
Tương tự như Hồng Ca, xã Hưng Thịnh có nhiều lợi thế đất đai và người dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất đồi trồng rừng kinh tế, trồng chè sang trồng cây ăn quả.
Ông Nguyễn Gia Hồng - Chủ tịch UBND xã cho hay: "Thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi gắn với XDNTM, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân đã thực hiện chuyển đổi và trồng được một vùng cây ăn quả có múi trên 162 ha. Năm 2017, trồng mới 15 ha, năm 2018 trồng trên 20 ha tập trung tại các thôn: Yên Bình, Trực Khang, Trực Chính… Năm 2018, tiền thu từ cây ăn quả đã đạt gần 20 tỷ đồng, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo trong nông thôn”.
Gia đình bà Phạm Thị Cậy ở thôn Trực Chính đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha rừng trồng quế, keo sang trồng cây ăn quả. Đến nay, bà đã có 1 ha cho thu hoạch và năm 2018 bà đã có thu nhập trên 150 triệu đồng. Có thể khẳng định, từ cây tre măng Bát độ, cây ăn quả có múi đã và đang phát triển mạnh và khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả cao ở các xã phía Tây của huyện.
Hiện tại, Trấn Yên đã có sự chuyển đổi căn bản về quy mô, chất lượng, sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất theo chuỗi. Phát triển nông nghiệp được thực hiện theo quy hoạch, gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Cùng đó là lựa chọn và tìm ra được những cây trồng, vật nuôi phù hợp, có thế mạnh, có hiệu quả.
Đến nay, huyện có các vùng sản xuất hàng hóa như: vùng tre măng Bát độ 3.000 ha; vùng quế 15.000 ha; chè chất lượng cao gần 200 ha; vùng trồng dâu 400 ha; vùng trồng cây ăn quả có múi trên 600 ha và gần 500 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Trong đó, đối với cây dâu, sau chục năm phát triển, đến nay huyện đã có trên 300 ha dâu và gần 1.000 hộ tham gia sản xuất. Bình quân mỗi năm sản lượng kén đạt gần 500 tấn, mang lại nguồn thu trên 60 tỷ đồng. Bình quân mỗi héc - ta trồng dâu, nuôi tằm cho thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha. Đó là lý do huyện đang tích cực mở rộng diện tích, quy mô trồng dâu, nuôi tằm và phấn đấu đến năm 2020 đạt 700 ha, sản lượng kén đạt trên 1.100 tấn, giá trị thu về đạt 150 tỷ đồng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và thị trường, sản xuất theo chuỗi sản phẩm… đã và đang là hướng đi để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Trấn Yên phát triển bền vững.
Thanh Phúc