Theo Quyết định này, Bộ trưởng giao các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tuyên truyền, phổ biến thông tin, hướng dẫn thực hiện, áp dụng cam kết, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách thực thi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng lợi ích của Hiệp định CPTPP.
Cụ thể, đối với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định, Bộ trưởng giao các đơn vị phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành tổ chức hội nghị, tập huấn để giới thiệu, phổ biến cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan quản lý nhà nước liên quan về nội dung, ý nghĩa của Hiệp định, đặc biệt là các quy định liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán nhằm nâng cao nhận thức, hiểu đúng nội dung cam kết làm cơ sở thực hiện hiệu quả Hiệp định.
Đồng thời, tổ chức hội nghị, hội thảo để phổ biến, giới thiệu và trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn và các đối tượng liên quan nội dung cam kết liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, gồm cam kết trong lĩnh vực đầu tư, mua sắm của Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước. Giới thiệu, phổ biến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện truyền thông của Bộ các tài liệu, nghiên cứu, bình luận về nội dung và cam kết của Hiệp định…
Đối với nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chính sách thực thi Hiệp định, Bộ trưởng giao các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định hướng dẫn thực thi Điều ước quốc tế về đấu thầu làm căn cứ hướng dẫn thực hiện cam kết về mở cửa thị trường mua sắm của Chính phủ áp dụng với nhà thầu các Thành viên Hiệp định CPTPP theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với cam kết của Hiệp định.
Riêng đối với nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng lợi ích của Hiệp định, Bộ trưởng giao các đơn vị nghiên cứu các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng với quá trình hội nhập và khai thác hiệu quả lợi ích cơ hội từ Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, ký kết.
Ngoài ra, tiến hành đánh giá định lượng những tác động của Hiệp định CPTPP đối với các ngành sản xuất, cung cấp dịch vụ, từ đó đề xuất các biện pháp cụ thể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành. Tăng cường công tác kinh tế dự báo và cảnh báo sớm trong lĩnh vực thương mại để có biện pháp thích ứng cần thiết trong bối cảnh quan hệ thương mại quốc tế có nhiều biến động.
(Theo VnMedia)