Ông Hoàng Văn Cội - Chủ tịch UBND xã An Lương cho biết: với đặc thù của xã vùng cao đặc biệt khó khăn, mặc dù diện tích lúa ít, song xã lại có lợi thế về đồi rừng, khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với một số xã giáp ranh của huyện Văn Yên nên cây quế có khả năng phát triển, nhân rộng khá tốt. Vì thế, cây quế là cây được xác định là cây trồng chủ lực để xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân.
Và từ năm 2009, xã đã có kế hoạch vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng quế, đầu tư thâm canh chăm sóc tốt những diện tích quế đã trồng và những diện tích trồng mới. Bình quân mỗi năm, xã trồng mới gần 100 ha quế và đến nay, tổng diện tích quế toàn xã có gần 2.000 ha khắp cả 9 thôn, bản; trong đó, trên 50% diện tích đến kỳ khai thác, mỗi năm xuất 300 tấn vỏ quế khô thu về hàng chục tỷ đồng.
Nhờ cây quế mà nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Giá trị kinh tế từ cây quế mang lại đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 63% năm 2018. Chỉ tay về phía những ngôi nhà xây khang trang trị giá cả tỷ đồng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội cho biết tất cả đều nhờ cây quế.
Gia đình ông Giàng A Phử, thôn Sài Lương 3 là một điển hình về trồng quế và cũng là một trong những hộ thoát nghèo, làm giàu từ cây quế.
Ông Phử cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Nhà đông con, mặc dù diện tích đồi rừng nhiều, song chủ yếu là trồng ngô, sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương phát triển cây quế, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang trồng quế; nhờ vậy, cuộc sống khá dần lên”.
Từ 5 ha rồi mở rộng lên 10 ha quế và hiện nay gia đình ông Phử đã có 30 ha quế từ 1 - 20 năm tuổi, khai thác đến đâu lại tiếp tục trồng mới đến đó. Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho trồng quế nên chỉ sau 3 năm, gia đình ông Phử tỉa thưa những diện tích mới trồng để bán cho các cơ sở chế biến; những diện tích đã đến tuổi khai thác sẽ tận thu để trồng mới. Bình quân mỗi năm chỉ riêng bóc tỉa, bán cành lá, ông Phử cũng thu về gần 200 triệu đồng; khi cần việc lớn khai thác trắng thì thu nhập cả tỷ đồng.
Gia đình ông Lý Văn Long ở thôn Khe Chầu từng là hộ nghèo của thôn, mặc dù chăm chỉ làm nương rẫy nhưng chỗ thì trồng sắn, chỗ trồng ngô, lúa nương nên may thì đủ ăn. Từ khi chuyển sang chuyên canh trồng quế, gia đình ông đã khá lên trông thấy. Với gần 30 ha quế từ 1 - 15 năm tuổi, mỗi năm bán tỉa gia đình ông cũng thu về trên 100 triệu đồng.
Ông Long cho biết: "Trước đây, gia đình tôi cũng đã trồng các loại cây lâm nghiệp như: keo, bồ đề, song giá trị kinh tế không cao. So với các loại cây lâm nghiệp khác thì quế là cây có giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Hơn nữa, quế cũng không làm đất bị bạc màu như các loại cây lâm nghiệp khác”.
Ngôi nhà mới xây trị giá cả tỷ đồng và những vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác của gia đình ông Long tất cả đều nhờ cây quế. Không chỉ có ông Phử, ông Long mà nhiều hộ trong xã nhờ trồng quế đã vươn lên thoát nghèo và giàu lên với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở An Lương. Để tiếp tục nâng cao vị thế cây quế nhằm xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác; vận động các hộ thành lập nhóm, tổ hợp tác sản xuất quế để bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định cho người trồng quế; đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt quy trình canh tác bền vững.
Lê Thanh