Chị Lâm Thị Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên cho biết: "Hội xác định mục tiêu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là đòn bẩy thúc đẩy các phong trào hoạt động khác của Hội. Vì mục tiêu này, rất thiết thực đối với đời sống chị em nên Hội đã mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động, thành lập các mô hình tổ tiết kiệm, tổ góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế, chỉ đạo các chi hội xây dựng quỹ hội tại cơ sở giúp chị em nghèo được vay vốn”.
Với tổng số 810 hội viên, sinh hoạt tại 12 chi hội, để giúp các hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội đã chỉ đạo các chi hội xây dựng quỹ hội, xây dựng mô hình tiết kiệm với mức đóng 5.000 đồng/người/tháng. Đến nay, số tiền tiết kiệm lên tới 120 triệu đồng cho 40 hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.
Cùng đó, Hội phối hợp với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã duy trì tốt các tổ vay vốn và tiết kiệm với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số trên 500 thành viên (trong đó thành viên là hội viên phụ nữ có 304), tổng số vốn quản lý trên 7 tỷ đồng. Tiền vốn vay chủ yếu được chị em sử dụng để phát triển chăn nuôi, mở rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng rừng và xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường đạt chuẩn quốc gia.
Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên đã vượt khó vươn lên, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và có tiền gửi tiết kiệm. Điển hình như chị Nguyễn Thị Tú ở thôn Đồng Trạng. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn do không có nguồn thu.
Được Hội LHPN xã tạo điều kiện, đầu năm 2018, chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Khi có vốn, chị mạnh dạn mở rộng nhà tằm từ 50m2 lên 120m2.
Với 1,8 mẫu trồng dâu, trong đó, một nửa là đất ruộng kém hiệu quả được chị Tú chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, 1 sào dâu có thể đem về nguồn thu khoảng 4 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô. Mỗi năm, chị Tú nuôi được 4 lứa tằm, mỗi lứa nuôi 3 vòng tằm giống và 2 vòng tằm thương phẩm đã giúp chị có nguồn thu ổn định khoảng 60 triệu đồng/năm.
Chị Tú chia sẻ: "Trong lúc khó khăn nhất, Hội đã tạo điều kiện để tôi được vay vốn phát triển kinh tế. Từ hộ nghèo, không những gia đình tôi đã thoát nghèo mà còn trả được hết nợ ngân hàng”.
Bên cạnh việc khai thác nguồn vốn cho hội viên vay, Hội còn khuyến khích các chi hội phụ nữ đăng ký thực hiện Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và có trên 70% số cán bộ, hội viên trong cả 12 thôn đăng ký ít nhất từ 1 đến 2 mô hình có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Qua đánh giá, Hội có hơn chục gia đình hội viên làm kinh tế giỏi, điển hình như gia đình chị Trương Thị Thủy, thôn Phố Hóp với mô hình trồng dâu nuôi tằm; gia đình chị Trần Thị Tuyết, thôn Đồng Trạng với mô hình nuôi cá thương phẩm, cá giống; gia đình chị Vũ Thị Hương, thôn Nhân Nghĩa với mô hình chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 12 lao động..
Đặc biệt là mô hình thu mua, chế biến quế của gia đình chị Lê Thị Hà ở thôn Đình Xây cho thu nhập trên 300 triệu đồng và nhiều gia đình hội viên kinh doanh dịch vụ khác mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, trong năm 2018, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện mở 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm có 30 hội viên tham gia; mở các lớp tập huấn ngắn ngày về các lĩnh vực như: chăn nuôi thú y, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, may mặc…
Chị Lâm Thị Yến - Chủ tịch Hội LHPN xã Báo Đáp cho biết: "Đến nay, toàn Hội còn 20 hộ nghèo, giảm 12 hộ nghèo so với năm 2018 và 14 hộ cận nghèo, còn lại là các hộ trung bình, khá, giàu. Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì, tìm hiểu, hướng dẫn chị em nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, dạy nghề, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật… giúp chị em phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững”.
Hải Hà