Đúng 1 tháng, tính từ ngày 2/4 - 2/5/2019, qua 3 lần tăng giá liên tiếp, các mặt hàng xăng, dầu đồng loạt tăng: xăng E5 RON 92 từ mức 18.950 đồng/lít lên 21.090 đồng/lít; xăng RON 95 tăng từ 20.580 đồng/lít lên đến 22.780 đồng/lít; dầu Diesel 0.05S tăng từ 17.420 đồng/lít lên 18.040 đồng/lít.
Giá điện bán lẻ bình quân cũng đã được điều chỉnh tăng từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% và chính thức áp dụng kể từ ngày 20/3/2019.
Điện, xăng dầu tăng giá đã và đang gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân. Bởi lẽ, khi giá xăng, điện cùng lúc tăng sẽ kéo theo giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Có mặt tại Cửa hàng Xăng dầu số 1 ở tổ 48, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, nhân viên tại đây cho biết, số lượt người đến đổ xăng không có gì thay đổi so với trước thời điểm ngày 2/5.
Tuy nhiên, người tiêu dùng đều có chung ý kiến rằng xăng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của họ vì việc đi lại là thường xuyên hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Hải - phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: "Giá điện, xăng đều tăng trong khi thu nhập mỗi tháng của cả 2 vợ chồng được 9 triệu đồng, gia đình tôi lại đang nuôi con nhỏ nên cuộc sống chắc chắn sẽ chật vật hơn".
"Ở nhà, tôi phải hạn chế tối đa các thiết bị sử dụng điện vì ngoài thu nhập chính từ lương công nhân thì gia đình tôi không còn nguồn thu nào khác. Trước đây, mỗi tháng gia đình chi khoảng 1 triệu đồng tiền điện và xăng xe nhưng nay chắc phải khoảng 1,3 triệu đồng mới đủ. Ngoài tiền điện, tiền xăng còn tiền học cho con rồi chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng theo thì nhà tôi cũng chẳng dư ra được đồng nào” - chị Hải nói.
Giá xăng tăng khiến giới tài xế dịch vụ cũng gặp khó khăn hơn khi mỗi tháng sẽ phải chi thêm cho khoản này. Anh Nguyễn Văn Thành - lái xe hãng Taxi Mai Linh cho biết: "Giá xăng tăng lên, anh em lái xe như chúng tôi cũng vất vả hơn. Mỗi tháng tôi chạy trung bình khoảng 3.000 km, tương đương 180 lít xăng và tốn khoảng 3,4 triệu đồng. Sau đợt tăng giá vừa qua, mỗi tháng tôi ước tính sẽ phải chịu thêm khoảng 400.000 đồng tiền xăng so với thời điểm đầu tháng 4/2019”.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về giá cả hàng hóa thiết yếu sẽ tăng theo. Xăng tăng giá liên tục là thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Khi giá vận tải tăng sẽ đẩy giá cả các loại hàng hóa tăng theo.
Khảo sát thị trường trên địa bàn thành phố Yên Bái trong tháng 4, các nhóm hàng hóa thiết yếu có sự tăng nhẹ so với tháng trước. Đa số các mặt hàng rau củ đều có mức tăng từ 1.500 - 3.000 đồng/kg so với tháng 3; giá thịt bò ngon ở mức 240.000 - 270.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà có giá 120.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg…
Chị Phạm Thị Yến ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đứng trước một hàng rau củ ở chợ Km 4 lắc đầu: "Lúc trước, mỗi ngày ra chợ tiêu khoảng 200.000 đồng, bây giờ thì phải là 250.000 đồng. Trước tôi mua 10.000 đồng tiền rau củ là đủ, giờ phải mua hết 15.000 đồng. Mỗi thứ tăng một ít, cuối tháng dồn lại cũng thành khoản kha khá nên tôi phải chi tiêu tiết kiệm hơn”.
Với tình hình hiện nay, người tiêu dùng phải tính toán để chi tiêu tiết kiệm, hợp lý đồng thời mong muốn các ngành chức năng chủ động quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu để tránh những tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng 3/2019 và tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm tăng so với tháng trước: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 1,01%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,06%); giao thông (tăng 4,22%); bưu chính viễn thông (tăng 0,02%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,71%).
|
Hải Hà