Sơn tra là cây bản địa đa tác dụng được trồng nhiều nhất tại huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 37 cây sơn tra trội (12 cây tại Trạm Tấu và 25 cây tại Mù Cang Chải) - đây là yếu tố quan trọng trong sản xuất cây giống. Việc sử dụng nguồn cây sơn tra có tính trạng trội này có thể tạo ra cây sơn tra có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
Tuy nhiên, trong sản xuất cây giống, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu vẫn sử dụng phương pháp ươm hạt là chủ yếu. Thực hiện Dự án "Nông lâm kết hợp cho sinh kế của nông hộ nhỏ tại Tây Bắc - Việt Nam” do tổ chức Nông lâm thế giới tại Việt Nam hỗ trợ, năm 2013, tỉnh Yên Bái đã trồng thử nghiệm cây sơn tra ghép tại xã Bản Công, huyện Trạm Tấu.
Sau 2 năm rưỡi, cây sơn tra ghép đã bói quả thay vì phương pháp gieo hạt như trước đây sau 5 năm mới cho quả.
Tiếp đó, năm 2015 - 2017, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHKT và Công nghệ tỉnh tiến hành thực hiện Đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống sơn tra bằng phương pháp ghép cành tại huyện Trạm Tấu”.
Giống cây sơn tra ghép được gieo ươm trong bầu, tuổi cây từ 5 - 6 tháng, chiều cao trung bình 40 - 50cm, cây đều, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, khi đạt tiêu chuẩn sẽ được ghép với cành lấy từ 12 cây sơn tra trội. Tiêu chuẩn cành ghép là khi cây chưa nẩy chồi, đâm lộc, dùng kéo cắt các cành trên cây đã tuyển chọn đang có các mắt ngủ, chiều dài 20 - 30 cm, đường kính cành 0,8 - 1cm, tương đương với đường kính gốc ghép. Do đó, khi cắt ghép thành công, cây có sức sống tốt, chống chịu được trong thời tiết khắc nghiệt.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Sơn tra ghép là loại cây dễ trồng, rút ngắn thời gian cây cho quả từ khi xuất khỏi vườn ươm. Cây chống chịu sâu bệnh tốt và giữ được nguồn gen trội. Với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp, việc phát triển trồng cây sơn tra ghép tại các xã của huyện Trạm Tấu có diện tích lâm nghiệp ở độ cao từ 1.000 m trở lên so với mực nước biển cho thấy, tỷ lệ cây sống đạt từ 75% trở lên. Đây sẽ là hướng đi giúp người dân phát triển kinh tế bền vững trên đất dốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái”.
Được biết, đợt băng giá, mưa tuyết xảy ra trên địa bàn huyện Trạm Tấu tháng 1/2016, toàn bộ số cây sơn tra ghép đều không bị gãy gốc do được chăm sóc, khắc phục kịp thời.
Ngoài tác dụng là loài cây phụ trợ trồng trong rừng phòng hộ, những năm qua, việc trồng sơn tra lấy quả không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng; cây sơn tra được người dân quan tâm, đầu tư, chăm sóc, phù hợp với điều kiện lập địa và tập quán canh tác của người dân vùng cao, nhất là bà con đồng bào Mông lâu nay đã quen sống gắn bó với rừng.
Bà Pàng Thị Nủ ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công chia sẻ: "Tôi thấy đem cây sơn tra ghép về trồng mọc nhanh, không bị sâu bệnh, lá xanh tốt, tỷ lệ cây sống đạt cao hơn hẳn so với cây được gieo giống bằng hạt như trước đây. Chắc chắn cây lớn nhanh sẽ nhanh cho quả và chất lượng quả tốt hơn. Gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại cây sơn tra ghép này và dần dần thay thế diện tích những cây bị già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp”.
Trạm Tấu hiện có trên 2.170 ha cây sơn tra, tập trung tại các xã: Xà Hồ, Bản Mù, Bản Công, Làng Nhì. Năm 2018, toàn huyện trồng mới 320 ha với trên 6.500 cây sơn tra ghép đạt tiêu chuẩn được giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu và nhân dân trồng rừng theo kế hoạch hàng năm, hiện số cây giống chưa đủ tuổi xuất khỏi vườn ươm vẫn đang được chăm sóc, bảo vệ tốt.
Được biết, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục mở rộng và chăm sóc tốt diện tích trồng sơn tra và phấn đấu xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm sơn tra phổ biến ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Thành công trong việc tạo ra giống cây sơn tra ghép có năng suất và chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế đồi rừng, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, giúp đồng bào Trạm Tấu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Mai Linh