Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về đất lâm nghiệp, những năm qua, huyện Yên Bình đẩy mạnh trồng rừng gắn với phát triển các cơ sở sản xuất chế biến (SXCB) gỗ rừng trồng công nghệ cao tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập của người dân.
Thịnh Hưng là một trong những xã tích cực phát triển rừng trồng của huyện Yên Bình. Toàn xã hiện có 653 ha rừng trồng, chủ yếu là các loại cây: bạch đàn, keo, bồ đề... đảm bảo có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào cung ứng cho 6 cơ sở SXCB gỗ trong xã, giải quyết được việc làm cho 200 lao động địa phương; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 45/1.114 hộ.
Doanh nghiệp tư nhân Thành Giang ở thôn 4, xã Thịnh Hưng chuyên SXCB gỗ băm dăm mảnh đã tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng giúp người dân trên địa bàn để chế biến đạt từ 1.000 đến 1.500 tấn gỗ dăm/năm.
Năm 2018, doanh nghiệp này có doanh thu đạt 18 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 6 lao động thời vụ với mức lương bình quân từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Xưởng sản xuất ván bóc của gia đình chị Triệu Thị Nhàn ở thôn Cầu Trắng, xã Phúc An cũng là một trong những cơ sở SXCB gỗ lớn nhất trên địa bàn xã. Hiện nay, xưởng của chị đã tạo được việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng và gia đình chị có thu nhập từ 450 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm.
Huyện Yên Bình có trên 77.200 ha đất tự nhiên, trong đó, đất lâm nghiệp là 48.000 ha. Đời sống của nhân dân phần lớn dựa vào rừng trồng nên huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung khai thác thế mạnh của địa phương.
Năm 2018, toàn huyện trồng mới được 2.766 ha rừng. Riêng trong quý I/2019, diện tích rừng trồng mới đạt 2.000 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 54,7%.
Đi đôi với việc trồng rừng, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở SXCB gỗ rừng trồng đầu tư máy móc, công nghệ cao để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện đã có 177 cơ sở SXCB gỗ rừng trồng với các sản phẩm chủ yếu như: ván bóc, gỗ thanh, gỗ băm dăm...
Trong quý I/2019, huyện đã khai thác 1.415 ha rừng trồng, tương đương với 70.750 m3 gỗ. Bằng việc phát triển trồng rừng và SXCB gỗ rừng trồng, mỗi năm huyện đã có nguồn thu 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Hiệu quả kinh tế từ rừng trồng và SXCB gỗ rừng trồng đã góp phần không nhỏ vào việc xóa đói, giảm nghèo.
Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm được 4,64%. Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình trao đổi: những năm gần đây, phong trào trồng rừng và SXCB gỗ rừng trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực giúp nhân dân cải thiện đời sống. Vì thế, các cơ sở SXCB gỗ rừng trồng đã tích cực đưa công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu suất chế biến và tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Đồng thời, hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với người trồng rừng để đảm bảo có đủ nguyên liệu để SXCB và tiêu thụ được sản phẩm sau khi đã chế biến. Đây là hướng đi đúng nên không chỉ phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Chí Sinh