Đây là cơ hội để nhân dân xã Y Can, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ nghèo phát triển kinh tế từ nguồn tài nguyên rừng của địa phương gắn với quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Từ nhiều năm trước đây, khi Lâm trường Việt Hưng vẫn đang hoạt động, nhân dân trong xã phần vì nhận giao khoán của Lâm trường, phần vì thiếu đất hoặc chưa có đất sản xuất đã bắt đầu tự canh tác, sản xuất trên diện tích đất rừng do Lâm trường quản lý.
Để đáp ứng nhu cầu đất sản xuất cho nhân dân sau khi Lâm trường giải thể, xã đã xây dựng phương án giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp (tối đa là 2,2 ha) và cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất (không quá 50 năm) đối với 1.843,95 ha đất vốn do Lâm trường quản lý.
Ông Nguyễn Thanh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, để xây dựng một phương án hợp tình, hợp lý, địa phương đã tổ chức họp bàn rộng rãi, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân; trực tiếp phối hợp đo đạc, xác định vị trí, loại rừng, trạng thái, trữ lượng, diện tích được giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng đến các chủ rừng quản lý, ranh giới giữa các thửa đất có sự chứng nhận của nhân dân và các hộ giáp ranh đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, tránh gây mâu thuẫn.
"Địa phương còn thực hiện việc bình xét và xác định các đối tượng hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu đất hoặc chưa có đất sản xuất thuộc khung điều chỉnh của phương án, đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, khách quan, đúng với các quy định của pháp luật hiện hành" - ông Tuyến trao đổi.
Phương án đã có sự phân chia xác định, chất lượng rừng, phương hướng giải quyết rõ ràng đối với từng loại rừng, theo đó, diện tích đất do Lâm trường bàn giao lại gồm: 644,35 ha đất rừng tự nhiên sản xuất, 1.199,6 ha đất rừng trồng sản xuất.
Đối với rừng tự nhiên sản xuất có 143,4 ha là rừng đầu nguồn đã được thu hồi, quản lý, bảo vệ chặt chẽ quỹ đất và rừng phục vụ mục đích giữ nước đầu nguồn cung cấp nước cho công trình nước sạch của xã.
Ngoài ra, phần diện tích 172,59 ha hiện trạng là đất trống, trảng cỏ, cây bụi, không có rừng cây đã được phân bổ, giao 42,24 ha cho 25 hộ là đồng bào DTTS, hộ nghèo ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu đất hoặc không có đất sản xuất bằng hạn mức đã được phê duyệt là tối đa 2,2 ha. Toàn bộ diện tích còn lại của đất rừng tự nhiên sản xuất được xem xét cho các hộ gia đình, cá nhân thuê đất để tiếp tục sản xuất bền vững.
Còn đối với 1.199,6 ha đất rừng trồng sản xuất, xã xây dựng phương án xử lý giao đất cho các 341 hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng giao đất với diện tích 431,97 ha; cho 296 lượt hộ gia đình, cá nhân thuê với tổng diện tích 713,21 ha.
Với 43 ha khi nhận bàn giao trên hồ sơ có vốn đầu tư của Nhà nước trồng rừng phòng hộ và rừng giống, xã xử lý bằng cách giao đất cho 25 hộ gia đình với diện tích 18,7 ha còn lại sẽ lập hồ sơ cho thuê.
Ông Triệu Tiến Hòa ở thôn An Phú chia sẻ: "Đối với đồng bào người Dao chúng tôi, kinh tế đồi rừng từ quế, keo là nguồn thu nhập chính. Chúng tôi có của ăn, của để cũng chính nhờ rừng. Bởi vậy, được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp, thuê đất chính là điều kiện để chúng tôi yên tâm sản xuất, quản lý, bảo vệ đất rừng đúng mục đích".
Đến nay, xã Y Can đã cơ bản hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp cho trên 80% hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng trong phương án. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do khách quan, xã Y Can mới thực hiện được giai đoạn giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp.
Còn việc cho thuê đất đã hoàn thành hồ sơ song vẫn chưa thể thực hiện. Mong muốn của nhân dân xã Y Can hiện tại chính là nhanh chóng hoàn thiện việc cho thuê đất để họ có thể "danh chính, ngôn thuận" an tâm sản xuất vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
H.A