Với nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, khảo sát thực tế, quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, tập trung tháo gỡ khó khăn và song hành cùng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của chính quyền địa phương nên người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi phương thức làm ăn và đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào gieo trồng lúa nước, thâm canh cây ngô đồi, chủ động sản xuất lúa nước 2 vụ, thay đổi cơ bản tập quán canh tác lạc hậu… góp phần nâng cao năng suất, thu nhập và giảm nghèo bền vững. Trong đó, riêng với cây lúa nước bình quân mỗi năm, xã Phong Dụ Thượng gieo cấy 280 ha 2 vụ, sản lượng bình quân đạt 1.475 tấn.
Bên cạnh đó, với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, xã Phong Dụ Thượng chủ trương nâng tổng đàn gia súc, gia cầm, hình thành các mô hình chăn nuôi theo phương thức bán chăn thả với quy mô từ 10 con trở lên. Thông qua các cuộc họp, các buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là qua các mô hình điểm của xã xây dựng đã giúp người dân từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt, bán chăn thả; tận dụng đất ven đồi, ven suối để trồng cỏ…
Đến nay, xã đã hình thành 5 mô hình chăn nuôi với quy mô nhỏ và vừa, trong đó, có 4 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên cho thu nhập mỗi năm trên dưới 30 triệu đồng; 1 mô hình chăn nuôi gà quy mô 1.000 con trở lên cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Điển hình là gia đình anh Mai Văn Tân ở thôn Bản Lùng đã chăn nuôi 10 con trâu, bò theo phương thức nuôi nhốt thay vì nuôi 1, 2 con và thả rông như trước đây. Cùng với tăng đàn, anh Tân còn tận dụng những khoảng đất trống, đất ven suối để trồng cỏ nuôi trâu bò.
Anh Tân cho biết: "Chăn nuôi theo phương thức bán chăn thả vừa tiết kiệm được thời gian, vừa kiểm soát được dịch bệnh, hiệu quả kinh tế lại khá cao”.
Gia đình anh Mai Hồng Hà ở thôn Làng Than đã chuyển đổi nuôi gia cầm nhỏ lẻ sang mô hình trang trại với quy mô trên 1.000 con/lứa. Đến nay, mô hình nuôi gà của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với 3 lứa gà/năm, mỗi lứa trên 1.000 con cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Anh Hà cho hay: "Nuôi gà quy mô lớn đã tạo cho các thành viên trong gia đình việc làm, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống tốt hơn trước đây rất nhiều”.
Ông Lò Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: nhờ định hướng đúng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hiệu quả các thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế nên năm 2018 đã nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên trên 17 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 54,6%”.
Phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, ngoài việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả, xã Phong Dụ Thượng tiếp tục động viên nhân dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp và phát triển các mô hình chăn nuôi gia cầm, trong đó, sẽ triển khai cho 5 hộ nuôi 1.000 con vịt cổ xanh…
Trần Ngọc