Toàn xã có trên 350 ha sản xuất lúa. Xã lựa chọn khu vực thôn An Sơn có cánh đồng màu mỡ, nguồn nước sạch dồi dào để trồng lúa Séng cù theo quy trình Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò từ vụ chiêm xuân năm 2019 với 40 ha, 120 hộ tham gia, giao cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Dịch vụ tổng hợp An Sơn thực hiện.
Ngay từ đầu năm, HTX tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sản xuất lúa hàng hóa Séng cù chất lượng cao trên cánh đồng một giống. Vụ chiêm xuân và vụ mùa năm 2019, cánh đồng thôn An Sơn trồng 100% lúa Séng cù.
Hợp tác xã hỗ trợ, cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, phối hợp với cán bộ khuyến nông xã, Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò (là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, đóng bao bì, chất lượng sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò) hướng dẫn người dân về kỹ thuật gieo mạ, cấy, chăm sóc lúa.
Cùng đó, HTX cũng tích cực đẩy mạnh phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, tìm thị trường cho sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò do đơn vị mình sản xuất. HTX Nông nghiệp, Dịch vụ tổng hợp An Sơn chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Nghĩa Lộ triển khai gian hàng tại Hội chợ Làng nghề - Du lịch ASEAN 2019 tổ chức ở thành phố Bắc Ninh và Lễ hội giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông tỉnh Yên Bái tại Hà Nội nhằm giới thiệu nhiều sản phẩm địa phương, trong đó, có gạo Séng cù.
Đặc biệt, HTX Nông nghiệp, Dịch vụ tổng hợp An Sơn còn phối hợp với Hội Sản xuất Kinh doanh gạo Mường Lò, Sở Công thương tỉnh đưa sản phẩm gạo Séng cù của HTX đi giới thiệu tại hội chợ quốc tế với 30 quốc gia tham dự được tổ chức ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Anh Nguyễn Văn Tưởng - Giám đốc HTX Nông nghiệp, Dịch vụ tổng hợp An Sơn cho biết: "Nhờ gạo được sản xuất trên cánh đồng một giống, không bị lai tạp với giống lúa khác trong thời gian thụ phấn nên có chất lượng, dẻo, thơm hơn so với lúa Séng cù trồng xen kẽ với các giống lúa khác. Kể từ tháng 5/2019 đến nay, HTX bán được 20 tấn gạo có giá thành từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, tức cao hơn thị trường từ 40 - 50%. Đây là tín hiệu tích cực khẳng định hướng đi đúng đắn của chúng tôi”.
Theo ông Nguyễn Văn Nhưỡng - Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của huyện Văn Chấn về việc sản xuất lúa theo quy trình Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò, xã đã lựa chọn HTX Nông nghiệp, Dịch vụ tổng hợp An Sơn - một trong những HTX hoạt động mạnh, có hiệu quả trong vùng Mường Lò, có số vốn hiện tại khoảng 10 tỷ đồng làm đơn vị chủ trì, triển khai sản xuất lúa Séng cù chất lượng cao tại cánh đồng một giống thôn An Sơn.
Để đảm bảo việc sản xuất lúa theo quy trình chỉ dẫn địa lý, UBND xã phối hợp với Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò thành lập Chi hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò xã Hạnh Sơn do Bí thư Chi bộ thôn An Sơn làm Chi hội trưởng, Trưởng thôn làm Chi hội phó và mời các thành viên của HTX An Sơn tham gia Ban lãnh đạo Chi hội. Chi hội là lực lượng nòng cốt hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thẩm định chất lượng gạo, cung cấp bao bì sản phẩm có logo Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò cho HTX.
Trong khi đến nay, các xã, phường trong khu vực mang Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò còn loay hoay, chưa xây dựng được mô hình cụ thể, khoa học để khai thác hiệu quả Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò thì Hạnh Sơn đã mạnh dạn đi đầu quy hoạch, huy động nguồn lực xã hội và tổ chức các đầu mối để xây dựng vùng nguyên liệu gạo Séng cù theo Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò và đưa sản phẩm ra thị trường với những kết quả bước đầu rất khả quan.
Anh Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò nhận định: "Cách làm, mô hình sản xuất gạo Séng cù theo Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò của Hạnh Sơn là mô hình hay, thể hiện sự năng động, nhanh nhạy của địa phương cần được nhân rộng trên cánh đồng Mường Lò để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò”.
Thu Hạnh