Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược
Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người tăng từ 18,3 triệu đồng năm 2011 lên 29 triệu đồng năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 7,2%/năm, ước thực hiện năm 2019 đạt 38 triệu đồng, dự kiến năm 2020 đạt 42,9 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã thu hút được 197 dự án, với tổng số vốn đầu tư trên 20.500 tỷ đồng và 99 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm 2011- 2015 đạt 7.002 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7.723 tỷ đồng, tăng bình quân gần 18%/năm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho biết: Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược, đó là, đẩy mạnh cải cách thể chế; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.
Đẩy mạnh cải cách thể chế, trong hơn 8 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã ban hành 26 nghị quyết, đề án, kết luận chuyên đề; chỉ đạo xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách mới cho cả giai đoạn 2011 - 2018 bằng 81 đề án, chính sách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tập trung cho cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ công chức.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức các chương trình "Cà phê doanh nhân” hàng tháng để gặp mặt, trao đổi, đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 9 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố); chỉ số quản trị hành chính công năm 2018 tăng 41 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố); chỉ số cải cách hành chính năm 2018 tăng 21 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố).
Yên Bái cũng tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu thị trường, phấn đấu mỗi năm giảm 1,5% lao động nông nghiệp.
Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế và thị trường lao động; tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn giảm 73,1% năm 2011 xuống 68,2% vào năm 2016, dự ước năm 2020 giảm xuống còn 61,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 đạt 54% (tăng 33,6% so với năm 2011).
Cùng đó, tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Từ năm 2011 đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 3.200 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, hoàn thành 17/28 công trình trọng điểm, bê tông hóa 1.760 km đường giao thông nông thôn; đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp trên 700 công trình thủy lợi… Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên và giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 44,4% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững
Bên cạnh việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho biết: Yên Bái xác định và thực hiện tốt phương châm "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả" để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh, cụ thể hóa vào trong quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với từng lĩnh vực để phát triển.
Các bộ chính sách của tỉnh đã ban hành rất trúng và đúng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế như: đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cho trước mắt và lâu dài; quan tâm đổi mới hệ thống chính trị, tập trung vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Tỉnh cũng đã xây dựng các chính sách để ưu tiên thúc đẩy các lợi thế và tiềm năng của tỉnh; tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư; thực hiện đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện nay, tỉnh Yên Bái tập trung phát triển đồng bộ nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ làm trụ đỡ và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Yên Bái xác định tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, là nền tảng cho phát triển kinh tế, trọng tâm là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tỉnh tập trung vào 10 sản phẩm chủ lực gồm: chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, nuôi trồng và khai thác thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, trồng dâu nuôi tằm, gỗ nguyên liệu, cây lương thực và 10 sản phẩm đặc sản gồm: nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan Suối Giàng, gà đen đặc sản vùng cao, lợn bản địa, vịt Lâm Thượng, quế và cây ăn quả.
Yên Bái coi phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả là trọng tâm, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và phát triển thị trường là khâu đột phá; phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 5,4%.
Trong sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển mạnh theo hướng nâng cao công nghệ, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá tạo động lực phát triển kinh tế; thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành, sản phẩm công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến sâu; phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP của tỉnh năm 2030 đạt 35%; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 tăng bình quân 12%/năm.
Cùng đó, tận dụng tối đa lợi thế trung tâm vùng để phát triển nhanh, đưa dịch vụ thương mại trở thành khu vực tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại chiếm khoảng 34% GRDP, giải quyết 31% lao động cho nền kinh tế; phấn đấu đến năm 2030 thu hút được 2,2 vạn khách du lịch, gấp 3,2 lần so với năm 2020; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỷ đồng gấp 5,1 lần so với năm 2020.
Cùng đó, Yên Bái tiếp tục huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển vùng Tây Bắc; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp - hiện đại hóa và hội nhập, phát triển; quan tâm đến công tác giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo thoát nghèo bền vững; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hình thành các trục động lực cho phát triển; khơi dậy, phát huy được khát vọng, ý chí phát triển, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Mạnh Cường