Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh, các nghị quyết chuyên đề của Đảng về phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành một số chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp như: Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CPvề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 139/NQ-CP năm 2018 ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...
Việc ra đời và triển khai quyết liệt các Nghị quyết này đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, tạo ra sự khích lệ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại Lễ Công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, giai đoạn 2016-2018 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt mức kỷ lục,trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.
Theo bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh lực lượng doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
"Đây là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp còn phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư”, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Để đáp ứng yêu cầu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức biên soạn và công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 chính là ấn phẩm đầu tiên đượccông bốcông khai ra toàn xã hội. Đây tiếp tục là sự khẳng định của Chính phủ, các Bộ, ngành về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất.
Nội dung "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” là bức tranh đầy đủ về bối cảnh, tổng quan sự phát triển của tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong năm 2018.
Trình bày một số nội dung cơ bản của Sách trắng, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, bên cạnh các thống kê cụ thể về các khu vực doanh nghiệp, cuốn sách cũng đưa ra đề xuất một số giải pháp và bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp tại nước ta.
Thông tin doanh nghiệp cũng được cung cấp và phân tích ở các góc độ khác nhau theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp, theo địa bàn...
"Cuốn sách sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả khối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Đồng thời, cũng sẽ là các tài liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, tài liệu tham khảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong phân tích thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, các số liệu được nêu ra trong Sách trắng là rất hữu ích, cần thiết, không những trong nghiên cứu, mà còn trong chỉ đạo điều hành.
Dẫn trường hợp nhiều địa phương đứng trong Top 10 về số lượng doanh nghiệp cả nước, nhưng tốc độ phát triển doanh nghiệp lại đứng rất thấp, Phó Thủ tướng nhắc nhở, các bộ số liệu thống kê được đưa ra để Lãnh đạo các tỉnh, địa phương biết số lượng doanh nghiệp đang nằm ở đâu để tự đánh giá, xem xét, không tỉnh nào cũng tưởng của mình. Hay số liệu so sánh tình hình phát triển doanh nghiệp của các địa phương trên cùng địa bàn, khu vực để biết doanh nghiệp ở đó có nhận được sự quan tâm của Đảng uỷ lãnh đạo địa phương hay không, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành đang ở mức độ nào.
Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện mới 16/63 tỉnh thành trên cả nước cân đối tự điều tiết được ngân sách, muốn tăng tỷ lệ này chỉ có thể bằng cách tập trung phát triển doanh nghiệp. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên chính là một trong những công cụ quang trọng giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
(Theo Báo Đầu tư)