Chưa tương xứng tiềm năng
Lai Châu có hơn 70% diện tích đất tự nhiên là đất lâm nghiệp, có thế mạnh phát triển cây dược liệu quý. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tỉnh này có 875 loài dược liệu, phân bố tự nhiên ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các huyện vùng cao, biên giới, như: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên. Nhiều loại dược liệu có giá trị như: Hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, đỗ trọng, thất diệp nhất chi hoa…
Gần đây, các loại dược liệu như đương quy, đỗ trọng, hoàng khung, sâm cát cánh, bạch truật… được trồng tại một số xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, như Sà Dề Phìn, Tả Phìn, Tả Ngảo. Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, hoạt chất của một số cây dược liệu trồng ở Lai Châu cao hơn so với trồng ở các địa phương khác.
Theo ông Sùng A Dơ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, hiện trong xã trồng gần 20 ha cây đương quy, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha, góp phần giúp bà con thoát nghèo hiệu quả.
Cây dược liệu có thế mạnh của Yên Bái là quế, sơn tra. Toàn tỉnh hiện có 56.522 ha quế, được trồng ở các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và TP Yên Bái. Cây sơn tra trồng chủ yếu tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với diện tích hơn 3.820 ha, diện tích đang cho thu hoạch quả là 980 ha, sản lượng bình quân 2.500 tấn quả/năm, đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cao, khoảng 4,5 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 lần so với trồng cây thông. Người dân cũng đã phát triển trồng các cây dược liệu bản địa để tăng thu nhập cho gia đình.
Với tiểu vùng khí hậu ôn đới, đất rừng rộng và tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số về cây thuốc, tỉnh Lào Cai có rất nhiều lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển bền vững cây dược liệu. Ở đây có Vườn quốc gia Hoàng Liên được ví như "kho báu” về cây thuốc quý, với hơn 850 loại cây thuốc đặc hữu, như: Hoàng liên, sâm vũ diệp, kim tuyến, cẩu tích…
Đến nay, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh hơn 1.500 ha, tập trung tại các huyện vùng cao, biên giới như Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai… với các loại dược liệu chủ yếu là: Đương quy, a-ti-sô, xuyên khung, chè dây, sa nhân, độc hoạt, ý dĩ… Tổng sản lượng dược liệu khô đạt khoảng 3.200 tấn/năm, trong đó riêng cây a-ti-sô chiếm khoảng 70% sản lượng, giá trị thu nhập bình quân đạt từ 120 đến 150 triệu đồng/ha.
Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển cây dược liệu ở vùng Tây Bắc còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là khai thác tự nhiên, thậm chí chưa được bảo tồn đúng mức… Một số loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Phần lớn cây dược liệu trên địa bàn chưa được chế biến sâu mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, cho nên giá trị rất thấp. Như ở Lai Châu, do chưa có cơ chế đặc thù đối với cây dược liệu, cho nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển; khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Tại Lào Cai, tuy có một số doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến cây dược liệu, nhưng do nhu cầu của khách du lịch thích sử dụng cây thuốc bản địa như tam thất, giảo cổ lam, chè dây, đương quy… đồng bào các xã vùng cao ở Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát đã vào rừng khai thác, dẫn đến cạn kiệt nguồn dược liệu tự nhiên. Một số loài đã nằm trong Sách đỏ, như sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, thất diệp nhất chi hoa.
Cần hướng phát triển phù hợp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, các tỉnh vùng Tây Bắc có lợi thế, tiềm năng lớn về cây dược liệu, là nguồn cung ứng dồi dào, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các cơ sở chế biến thuốc và dược liệu của cả nước, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, khai thác và phát triển cây dược liệu đã và đang là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới của các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, cần có định hướng rõ ràng và các giải pháp thiết thực để khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng dược liệu của vùng.
Khó khăn lớn nhất của các tỉnh vùng Tây Bắc hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng trồng cây dược liệu như đường giao thông, thủy lợi, cơ sở nhân ươm giống, thu gom và chế biến sản phẩm… còn rất thiếu, chưa đáp ứng quy mô sản xuất lớn, tập trung. Đáng chú ý, hầu hết vùng trồng cây dược liệu là nơi bà con dân tộc thiểu số sinh sống, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới không đồng đều, hạn chế, cho nên việc sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao gặp khó khăn, đòi hỏi phải đào tạo khá tốn kém.
Để khai thác, phát triển hiệu quả, bền vững vùng dược liệu Tây Bắc, các tỉnh đã tập trung quy hoạch, xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng trồng và chế biến cây dược liệu. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Hà Quang Huy cho rằng, cần có cơ chế để bảo tồn, phát triển cây dược liệu, nhất là bảo vệ các nguồn gien dược liệu đặc biệt quý hiếm.
Chính vì vậy, tỉnh Lai Châu đang tập trung xây dựng đề án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2019 - 2025, với giải pháp trồng cây dược liệu gắn với cơ sở chế biến tại bốn huyện là Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ và Tân Uyên, vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng và hỗ trợ giống, vốn, thiết bị sơ chế cho người trồng.
Tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gien, khai thác dược liệu, trồng trọt, chế biến dược liệu, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng dược liệu. Trong khi đó, Yên Bái đang ưu tiên phát triển 11 loài dược liệu với diện tích khoảng 22.735 ha, gồm: Quế, sơn tra, thảo quả, đinh lăng, ba kích, giảo cổ lam, ý dĩ, hà thủ ô đỏ, a-ti-sô, cà gai leo...
Tỉnh Lào Cai cũng đã triển khai thực hiện đề án "Bảo tồn và phát triển cây dược liệu” và bước đầu đạt kết quả thông qua liên kết "bốn nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học. Giám đốc Công ty TNHH Traphaco Lào Cai Đỗ Tiến Sỹ cho biết, nhờ liên kết "bốn nhà”, đến nay, công ty đã có vùng nguyên liệu ổn định hơn 70 ha a-ti-sô, thu hút hàng trăm hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO với sản lượng khoảng 2.000 tấn lá tươi/năm.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Nam Dược, Công ty TNHH Tâm Phát Green, Công ty cổ phần Thương mại Hùng Dũng... cũng đang triển khai liên kết với nông dân các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai... trồng các loại cây dược liệu như: Tam thất, đương quy, chè dây, bạch truật, cát cánh, đẳng sâm...
Từ thực tế phát triển dược liệu ở các tỉnh Tây Bắc thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần rà soát quy hoạch, tích tụ đất đai để xây dựng vùng trồng dược liệu theo hướng hàng hóa; thực hiện các giải pháp khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sẵn có; lồng ghép các chương trình mục tiêu như nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, Chương trình 135... để hỗ trợ nguồn vốn trồng dược liệu cho nông dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết, thu hút doanh nghiệp thu mua, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm dược liệu để có đầu ra ổn định cho các vùng trồng.
(Theo Nhân Dân)