Để giải phóng mặt bằng không thành điểm “nóng”!

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/8/2019 | 8:11:27 AM

YênBái - Câu chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng rất dễ phát sinh điểm “nóng” bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến “mưu mẹo” của đối tượng phải di dời, khiến cho vấn đề này luôn là “câu chuyện dài tập” bới họ luôn coi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng là "bình sữa tươi”.

Trồng cây trên đất trong diện giải phóng mặt bằng để lấy tiền bồi thường ở xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái.
Trồng cây trên đất trong diện giải phóng mặt bằng để lấy tiền bồi thường ở xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái.

Khi một dự án được triển khai, ít nhiều cũng có vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được triển khai theo đúng quy trình, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chính sách của Chính phủ, của địa phương… thì chính quyền các địa phương luôn thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, xây dựng các phương án, áp dụng đầy đủ các chính sách hiện hành và tổ chức tuyên truyền đầy đủ cho người dân trong vùng thuộc diện giải tỏa được biết.

Với những cá nhân nắm rõ chính sách pháp luật, đặc biệt là hộ gia đình gương mẫu, chấp hành đường lối, chính sách thì việc đền bù, giải phóng mặt bằng diễn ra khá đơn giản. Tuy nhiên, không ít những hộ còn lại luôn mang nặng tư tưởng "cò cưa với chính quyền” mong được đền bù nhiều hơn. Họ - một số gia đình thuộc diện giải tỏa, coi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng là "bình sữa tươi”.

Ngay từ khi dự án rục rịch triển khai thì vùng giải tỏa nhanh chóng biến thành "đại công trường”: nhà nhà xây bể nước, xây tường rào, sửa lại nhà cửa, lát lại sân hè, hăng hái trồng những cây có giá trị kinh tế cao trên diện tích vườn tược khi trước để hoang hóa; có ít bãi màu nào là trồng cây dược liệu như huyết dụ, đinh lăng, mía giò… vì đây là loại cây ngắn ngày được áp giá đền bù cao. 

Anh Nguyễn Văn T ở một xã B là thí dụ khá điển hình về những trường hợp mong được "uống sữa tươi” nhiều nhất. Gia đình anh T được thừa kế khu đất hơn 3ha, trong đó có gần 300m2 thổ cư và ngôi nhà gỗ 3 gian. Khi cha mẹ mất đi, vợ chồng anh T đã chuyển ra khu đất khác để tiện cho việc kinh doanh buôn bán. Khu đất cũ bỏ hoang hóa mười mấy năm chẳng ngó ngàng, chăm sóc gì nên nhà sắp đổ, cỏ dại mọc cao hơn đầu người. 

Đã rất nhiều lần anh T gọi bán khu đất ấy nhưng chẳng ai buồn mua, dù anh đã hạ giá xuống dưới 500 triệu đồng. Đến khi tỉnh triển khai dự án tại xã, biết đất nhà mình thuộc diện giải tỏa, anh T gọi con cái về, thuê thêm nhân công sửa chữa nhà cửa, bó hè, láng sân, xây cổng; vườn tược cũng được cải tạo lại, trồng ken đặc toàn cây giá trị kinh tế cao, được bồi thường nhiều tiền. Anh T còn xây, sửa cả chuồng trại nuôi gà, lợn, thả mấy triệu tiền cá giống xuống ruộng lầy phía chân đồi… 

Tất cả công việc đã xong, những tưởng, gia đình anh T chỉ đợi tiền đền bù nhưng chưa dừng lại ở đó, anh còn thể hiện một loạt thái độ bất hợp tác, luôn tỏ vẻ cù nhầy tại tất cả các cuộc họp liên quan đến dự án: "Đất đai tổ tiên để lại, đã được công nhận quyền sử dụng đất, tôi nhất định không đi đâu!”. 

Khi chính quyền tổ chức đối thoại ban ngày thì anh đưa ra lý do: "Ban ngày tôi phải đi làm thuê kiếm cái ăn nên không tham gia”. Đành phải chiều lòng anh và những người như anh, chính quyền tổ chức họp tối thì anh lại đưa ra ý kiến: "Các ông cán bộ làm ban ngày kiếm chưa đủ hay sao mà làm thêm cả đêm. Tôi đi làm thuê cả ngày nên mệt rồi, tối phải nghỉ”. Rồi cuối cùng, anh T thẳng thừng tuyên bố: "Không cần tuyên truyền, hướng dẫn gì hết, cứ đưa ba tỷ đồng đây, tôi ký hết, cho làm luôn!”. 

Trường hợp như anh T không phải là hiếm ở Trấn Yên, thành phố Yên Bái - nơi các chương trình, dự án lớn của tỉnh đang triển khai và họ, với lòng tham lam cộng với suy nghĩ nông cạn của mình "cứ cù nhầy sẽ kiếm được nhiều tiền” đã gây ra rất nhiều khó khăn cho những cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Ông Nguyễn Văn Tâm - cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Trấn Yên tâm sự: "Trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, cán bộ như chúng tôi luôn tìm mọi cách vận dụng chính sách để người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, mọi thứ đều phải nằm trong giới hạn, làm sai quy định thì cấp trên sẽ không phê duyệt hoặc phát sinh tiêu cực, sai sót, dù dân có lợi hay thiệt hại thì mình sẽ phải chịu trách nhiệm, nhẹ là bị phê bình, kỷ luật, nặng hơn là ngồi tù. Áp lực là rất lớn, đặc biệt từ phía người dân, họ không dễ gì thuận tình ngay từ đầu, cho dù mọi thứ đều đúng chính sách pháp luật, chưa kể, đã vận dụng tối đa cho bà con được hưởng lợi nhiều hơn”. 

Được biết, với những trường hợp như anh T kể trên thì cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc, phải tuyên truyền vận động, tranh thủ mọi mối quan hệ, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng, trong dòng tộc để vận động. Nhiều trường hợp biết mọi chính sách đều rất đúng, rất chính xác nhưng vẫn đơn thư "kêu cứu”, khiếu nại đúng cấp, vượt cấp… 

Và rồi, có đơn là phải xử lý đơn theo quy định của luật, tiếp đến lại phải rà soát, kiểm tra cho đúng quy trình. Nếu vận động, tuyên truyền, thuyết phục được cũng là may mắn cho địa phương. Nhiều trường hợp phải ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế - một công việc khá nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đòi hỏi phải theo một quy trình, quy định hết sức chặt chẽ. 

Theo dõi việc giải phóng mặt bằng, triển khai nhiều dự án ở Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái cho thấy rất nhiều trường hợp thuộc diện rất ngoan cố, bất chấp mọi lời khuyên nhủ, động viên, tuyên truyền, giải thích, không thèm quan tâm đến cả quyết định cưỡng chế… nhưng đến khi lực lượng cưỡng chế có mặt, phương tiện ô tô, máy xúc ùn ùn kéo đến, biết không thể đừng được nữa, biết việc cưỡng chế mà diễn ra thì mình sẽ bị trừ luôn một khoản tiền bồi thường mà chính quyền đã gửi tại ngân hàng (do bao ngày gia đình không tự nhận) thì đại diện gia đình lại chuyển giọng: "Thôi thôi, cho gia đình tự giải tỏa, không phiền đến các đồng chí”. 

Tại nhiều dự án khác trên địa bàn cả nước, việc cưỡng chế diễn ra, đương sự và kẻ xấu lợi dụng tình hình viết khẩu hiệu, căng băng rôn phản đối, đặc biệt là chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng xã hội để bôi nhọ chính quyền.

Câu chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng là hết sức "dài tập”. Những trường hợp cố tình chây ỳ mong kiếm được nhiều tiền hơn đã khiến chính quyền và ngành chức năng tốn công, tốn sức, tốn thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai dự án cũng như lòng tin của nhà đầu tư. 

Công khai, minh bạch dự án, làm tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng; nhất quán chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; xây dựng khung giá đền bù sát với giá cả thị trường; bố trí tái định cư, chuyển đổi ngành nghề hợp lý… cùng với đó là việc kiểm đếm, áp giá chính xác, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời thì sẽ hạn chế được những vụ việc, những điểm "nóng” phát sinh. Trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối thì cần cương quyết xử lý, phải thể hiện rõ sức mạnh của Nhà nước pháp quyền trên mọi lĩnh vực.

Tấn Đạt

Tags đền bù giải phóng mặt bằng

Các tin khác
Nông dân xã Thượng Bằng La trao đổi cách chăm sóc, thu hoạch măng tre  Điền trúc.

Có mặt trên đất Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn từ chục năm nay, trải qua những thăng trầm, cây tre măng Điền trúc đã dần khẳng định vị trí, hiệu quả xóa đói giảm nghèo, ổn định thu nhập cho người dân địa phương.

Chế biến chè đen tại HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn.

6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 46 hợp tác xã (HTX) và 1.502 tổ hợp tác. Nhiều HTX đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tìm ra được phương thức hoạt động mới theo hướng gắn sản xuất với gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm.

Mưa lớn đã làm 7 cột điện bị sạt lở móng, đổ ở thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh minh họa)

Do ảnh hưởng của vùng thấp suy yếu từ cơn bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 3/8 đến sáng ngày 4/8 có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ đập rượu để chào mừng sự kiện ra mắt tương ớt Chin-Su tại thị trường Nhật Bản.

Sau một thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu sâu về ẩm thực của người Nhật, Masan Consumer đã phát triển thành công tương ớt Chin-Su dành riêng cho thị trường này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục