Trên địa bàn huyện Yên Bình hiện có 43 công ty, doanh nghiệp và gần 800 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động có thu nhập ổn định.
Đến thăm cơ sở sản xuất ván bóc của anh Lưu Văn Tuất, thôn Tân Lập, xã Bảo Ái, chúng tôi bắt gặp không khí làm việc khẩn trương và sôi nổi của các công nhân cho kịp đơn hàng sắp tới.
Anh Tuất chia sẻ: "Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương, sau khi đi học hỏi ở nhiều nơi, năm 2010, tôi mạnh dạn đầu tư máy móc và thuê nhân công, mở xưởng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị theo hướng hiện đại và chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm. Sau 9 năm đi vào hoạt động, xưởng sản xuất gỗ bóc phát triển ổn định mức thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho trên 30 lao động với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), cùng với thực hiện có hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách thu hút đối với các nhà đầu tư mới, huyện đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, chú trọng vào các mặt hàng chủ lực của địa phương như: khai thác đá, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chế biến măng tre Bát độ; sản xuất xi măng; may xuất khẩu... theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Để phát huy tối đa giá trị của các mặt hàng này, huyện đã khuyến khích, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu như dự án trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu quế, tre măng Bát độ…, góp phần gia tăng giá trị sản xuất CN của huyện.
7 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn đạt trên 1.833 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất CN ngoài quốc doanh đạt 1.119 tỷ đồng (đạt 77,2% kế hoạch); giá trị sản lượng CN doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 714 tỷ đồng (đạt 59,5% kế hoạch).
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện vẫn còn có một số khó khăn: mặt bằng sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp còn hạn hẹp, trình độ lao động qua đào tạo chưa đạt yêu cầu; đa số các doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao, hàng hóa xuất ra tiêu thụ chậm, nhất là ngành sản xuất chế biến tinh bột sắn khô, ướt, ngành sản xuất chế biến chè các loại.
Để sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Điển cho biết: huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất CN - TTCN, tập trung phát triển thêm các ngành nghề, nhất là ngành nghề có thế mạnh. Huyện cũng sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển CN - TTCN, khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Huyện cam kết luôn đồng hành với các nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng cũng như giải quyết khó khăn vướng mắc cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất mời gọi các nhà đầu tư vào tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư và thực hiện các dự án trên địa bàn huyện.
Thanh Chi