Thịt lợn giá rẻ tràn về: Trung Quốc hủy chơi với Mỹ, nguy cơ dồn sang Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/8/2019 | 2:05:36 PM

Trung Quốc vừa mới tiếp tục hủy mua lô thịt lợn Mỹ lớn nhất từ trước đến nay với khối lượng lên tới 14.700 tấn. Dự báo, thịt lợn giá siêu rẻ từ Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam với giá chỉ 1 USD/kg (khoảng 23.238 đồng).

Thịt lợn Mỹ nhập khẩu về Việt Nam giá chỉ 1 USD/kg (ảnh minh họa)
Thịt lợn Mỹ nhập khẩu về Việt Nam giá chỉ 1 USD/kg (ảnh minh họa)

Thịt lợn Mỹ nhập về giá chỉ 1 USD/kg

Trưa ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 1/9. Ngay trong ngày hôm đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết, Trung Quốc quyết định hủy mua lô thịt lợn Mỹ lớn nhất từ trước đến nay, với khối lượng lên tới 14.700 tấn, vốn dự kiến nhận trong năm nay và năm sau.

Trước đó, để trả đũa Mỹ, Trung Quốc cũng đã hủy mua 53 tấn thịt lợn Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 28/2, hủy mua 999 tấn trong tuần kết thúc ngày 21/3, hủy mua 214 tấn trong tuần kết thúc ngày 18/4, giữa tháng 5 cũng đã đã hủy mua lô hàng 3.200 tấn thịt lợn của Mỹ.

Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ- Trung ngày càng căng thẳng, với động thái mới nhất là liên quan tới mặt hàng thịt lợn của Mỹ đã bị Trung Quốc hủy mua, giới chuyên gia dự báo sắp tới thịt lợn từ Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Công Thắng – phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng, một số mặt hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc có thể đẩy vào Việt Nam và một số thị trường khác. Như gần đây có mặt hàng đậu tương, trái cây, thịt,... Theo ông, xu hướng thời gian tới sẽ tăng lên, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng, đặc biệt sau vụ áp thuế 300 tỷ lên hàng hóa của Trung Quốc mới đây.

Với mặt hàng thịt lợn, Mỹ cũng đã có một số hành động điều tiết sản xuất, hỗ trợ nông dân và sẽ đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam nhưng không thể tăng nhanh. Tuy nhiên, với lượng thịt dư thừa không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ sẽ đẩy mạnh xuất sang Việt Nam.

"Trong khi đó, tại Việt Nam, do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn đang thiếu hút, giá tăng cao. Đây sẽ là động lực để Mỹ xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam”, ông nhận định.

Về vấn đề giá thịt lợn Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam, ông Thắng cho biết, khoảng 1-2 năm trở lại đây, trung bình giá thịt lợn Mỹ nhập khẩu tại cảng chỉ ở mức hơn 1 USD/kg. Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ căng thẳng, giá thịt lợn Mỹ nhập khẩu có thể sẽ giảm hơn khi Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam.

Vừa mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng tiết lộ, các mặt hàng như chân lợn, tai lợn, đuôi lợn từ Mỹ  nhập về qua cảng ICD Phước Long TP.HCM giá chỉ 1 USD/kg (tương đương 23.238 đồng/kg).

Trên thực tế, ở nước ta đã phải tiêu hủy gần 4 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi nên thời gian này đã đẩy giá lợn tăng khá mạnh. Theo đó, tại miền Bắc nhiều nơi giá lợn đã tăng lên mốc 50.000 đồng/kg, trong khi các tỉnh miền Nam giá lợn tại một số tỉnh cũng đã tăng lên mức 40.000 đồng/kg.
 
"Mức giá lợn hơi hiện tại đã phản ánh đúng nguồn cung-cầu của thị trường. Chắc chắn, mức giá 50.000-55.000 đồng/kg sẽ sớm được xác lập”, ông Dương nhận định.

Với những diễn biến trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng, việc thịt lợn Mỹ ồ ạt tiến vào nước ta sau khi bị phía Trung Quốc chối từ là rất cao. Bởi giá thịt lợn tại Việt Nam đang cao và từ nay tới cuối năm, nguồn cung thịt lợn cũng thiếu. Trong khi, giá thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam hiện tại chỉ khoảng 26.000-30.000 đồng/kg.

Lo thịt giá rẻ chất lượng kém

Theo ông Đoán, nhập khẩu thịt lợn là một trong những điều gây khó khăn trong toàn ngành chăn nuôi lợn.

"Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, để chống chọi, giá thành sản xuất phải trên 40.000 đồng/kg, song bán những ngày gần đây giá bán khoảng 35.000 đồng/kg, người chăn nuôi chịu lỗ”. Ông nói và cho biết, 3 năm trở lại đây, người chăn nuôi toàn cố hòa vốn, nếu giờ phải cạnh tranh với thịt nhập khẩu giá siêu rẻ thì ngành chăn nuôi sẽ rất khó khăn, thậm chí "bóp chết” ngành chăn nuôi lợn.

Bên cạnh đó, ông Đoán đặt câu hỏi vì sao giá thịt lợn của Mỹ nhập về Việt Nam lại rẻ đến vậy. Theo ông được biết, thịt lợn Mỹ bán trong siêu thị tại Canada hay Mỹ lại có khá cao, cao hơn giá thịt nội địa tại Việt Nam.

"Loại thịt nhập về Việt Nam liệu có phải thịt có chất lượng kém nên giá mới thấp như vậy”, ông lo lắng. Theo ông, chuyện Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam trong thời gian tới mới chỉ là dự báo, song Bộ NN-PTNT cần kiểm soát rất chặt về an toàn thực phẩm.

Riêng về vấn đề này, theo ông Thắng, sản phẩm bán trong siêu thị của Mỹ còn phải tính cả quá trình marketing, giá đội lên cao. Bên cạnh đó, giá cả sản phẩm còn phụ thuộc vào thị hiếu người tiêu dùng chứ không phải câu chuyện chất lượng sản phẩm. Ví như với mặt hàng thịt gà, tại mỹ ức gà rất đắt, còn thịt đùi, cánh lại có giá rất rẻ. Trong khi ở nước ta, cánh đùi lại được ưa chuộng…

Ông Thắng cho rằng, khi thịt lợn Mỹ vào Việt Nam nhiều, người tiêu dùng sẽ được mua sản phẩm với giá tốt, có nhiều sự lựa chọn hơn, song đương nhiên người sản xuất sẽ thiệt thòi. Vấn đề là cần tính đến câu chuyện hài hoà lợi ích giữa các bên, đảm bảo hỗ trợ người sản xuất có được lợi nhuận.

(Theo vietnamnet)

Các tin khác

Đến hết tháng 6/2019, 503 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đã được vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra chất lượng cây dâu đang được trồng tại huyện.

Theo tính toán của người dân, trồng dâu nuôi tằm so với trồng lúa, ngô cho thu nhập cao gấp 2,5 - 3 lần. Tỉnh Yên Bái đang triển khai, thực hiện xây dựng Đề án "Phát triển dâu tằm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng 2025”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm mô hình phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao tại huyện Ba Vì

Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2020, hướng tới mục tiêu tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi; phát triển chăn nuôi một số giống bò thịt cho năng suất, chất lượng, giá trị cao.

Để đón được những cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành dệt may cần cú huých tích cực từ nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ dệt, nhuộm.

Để đón được những cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành dệt may cần cú huých tích cực từ nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ dệt, nhuộm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục