Trong bối cảnh những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang leo thang và chưa có dấu hiệu kết thúc, các công ty xuất khẩu của Trung Quốc đang tìm mọi cách để thích ứng và "sống sót” qua "cơn bão thuế quan” này.
Tính chung trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu nước ép táo của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi mặt hàng này bị áp thuế kể từ tháng 9/2018.
Một số nhà sản xuất nước ép táo lớn của Trung Quốc, như Shaanxi Hengtong Fruit Juice, đã phải cầm cố cổ phiếu làm tài sản thế chấp cho các khoản vay vào năm ngoái. Các công ty con của họ cũng phải đặt hàng chục loại máy móc và thiết bị sản xuất làm tài sản thế chấp cho các khoản vay khác. Với việc bị áp thuế, những công ty này đều phải nâng giá bán sản phẩm của mình.
Ngành công nghiệp chế biến cá của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề do nước này là nhà cung cấp cá rô phi đông lạnh chính cho thị trường Mỹ. Hoạt động xuất khẩu mặt hàng này cũng giảm trong năm nay và người nuôi cá Trung Quốc đã buộc phải quay sang thị trường nội địa.
Các công ty chế biến cá rô phi đang cố gắng tìm cách để tăng doanh số bán tại "sân nhà," nhưng khẩu vị giữa người Trung Quốc với người Mỹ khác nhau khiến nỗ lực này gặp khó.
Nhà phân tích thị trường nông nghiệp Even Pay tại công ty tư vấn China Policy cho biết cá rô phi Trung Quốc bán rất chạy ở Mỹ vì chúng đều được tẩm bột và đã qua chế biến. Song điều này khiến vị cá không còn nhiều, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc thích cá của họ tươi hơn.
Không nằm ngoài vùng ảnh hưởng, các công ty trong ngành sản xuất radio của Trung Quốc cũng phải hứng chịu "nỗi đau thuế quan” từ Mỹ. Hoạt động xuất khẩu radio của Trung Quốc sang Mỹ trong nửa đầu năm 2019 đã giảm từ 230 triệu USD hồi cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 33 triệu USD, buộc các công trong lĩnh vực này phải chuyển hướng sang các thị trường châu Á và châu Âu để tăng doanh số.
Nhưng cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng giúp một số ngành của Trung Quốc được hưởng lợi. Đáng chú ý nhất là ngành sản xuất đậu tương của nước này. Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích cùng trợ cấp cho người nông dân trồng thêm nhiều đậu tương, giúp thu nhập của họ tăng lên.
Các khoản trợ cấp đã thúc đẩy sản lượng đậu tương của Trung Quốc, song nước này vẫn cần nhập khẩu khoảng 85% lượng đậu tương tiêu thụ mỗi năm, trong đó có khá nhiều từ nhà xuất hàng đầu là Mỹ.
Các công ty trong nhiều ngành hàng của Trung Quốc đã buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc "thương chiến” với nước này hơn một năm trước.
Nhưng dù sử dụng bất cứ "chiến thuật sinh tồn” nào, họ sẽ phải đối mặt với quãng thời gian rất khó khăn và thậm chí còn tồi tệ hơn nữa nếu Mỹ thực sự tiến hành áp thuế thêm 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như Tổng thống Mỹ đe dọa hồi đầu tháng Tám. Khi đó, hầu như tất cả các sản phẩm trao đổi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đều bị ảnh hưởng./
(Theo Vietnam+)