Là một trong số 30 hộ nghèo được UBND thị trấn đưa vào để thoát nghèo trong năm 2019, gia đình bà Hoàng Thị Nghĩa ở tổ dân phố số 2, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn được tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật (KHKT) về trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương, đặc biệt là được tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trước hết, bà đấu thầu hơn 2.000 m2 ruộng để trồng lúa; đất đồi trồng chè kém hiệu quả bà chuyển sang trồng cây ăn quả có múi. Bà cũng mua 2 con trâu về nuôi.
Bà Hoàng Thị Nghĩa chia sẻ: "Năm 2017, nhờ được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình mua trâu về nuôi, cải tạo vườn tạp trồng cây. Đầu năm nay, gia đình tôi trả được 16 triệu đồng và đang phấn đấu đến cuối năm sẽ trả hết nợ và hy vọng sẽ thoát nghèo”.
Tổ dân phố 2 hiện có 202 hộ, 753 nhân khẩu, có 50% là đồng bào Tày. Toàn tổ hiện có gần 30 ha ruộng 2 vụ lúa, gần 80 ha cam, trong đó, có 45 ha đang cho thu hoạch, 78 ha cây lâm nghiệp, gần 4 ha ao, hồ và có gần 9 hộ nuôi ba ba, trên chục hộ chăn nuôi lợn, gia cầm. Hiện nay, tổ còn 18 hộ nghèo và trong năm 2019 tổ được giao chỉ tiêu giảm 9 hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Lý - Tổ trưởng tổ dân phố 2 cho biết: "Để đạt mục tiêu giảm 9 hộ nghèo, tổ họp dân cùng các hội, đoàn thể chính trị - xã hội đưa ra các giải pháp: phân công các hội, đoàn thể giúp đỡ từng hộ; thường xuyên theo dõi, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ áp dụng KHKT trong sản xuất chăn nuôi; sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội...”.
Theo kế hoạch, năm 2019, thị trấn Nông trường Trần Phú phấn đấu giảm 1,78% hộ nghèo, tương ứng 30 hộ; phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 2,71%. Trên cơ sở rà soát điều kiện, hoàn cảnh thực tế, thị trấn đề ra chỉ tiêu giảm hộ nghèo cụ thể tại từng thôn để tập trung giúp đỡ, thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Cùng đó, Đảng ủy, chính quyền đã vào cuộc triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao KHKT sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đặc biệt là chú trọng tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo; qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo năm 2019 cho biết: "Mục tiêu của thị trấn là giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững và hạn chế tái nghèo, tạo điều kiện tối đa cho các hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn đề ra”.
Để đạt được mục tiêu trên, thị trấn Nông trường Trần Phú đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo năm 2019; chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2019 và phân công cụ thể các tổ chức hội, đoàn thể phụ trách thôn với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Từ đó, các hội, đoàn thể phải sâu sát cơ sở giúp các tổ chức hội nắm rõ hoàn cảnh, nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Trong số 30 hộ nghèo có 16 hộ thiếu vốn sản xuất, 8 hộ thiếu lao động sản xuất, 6 hộ cần hỗ trợ giống vật nuôi, 9 hộ cần hỗ trợ khác như thẻ bảo hiểm y tế nên địa phương đẩy mạnh hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, vốn vay…
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 20 hộ được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 750 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên nhiều hộ đã sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế. Điển hình như hộ ông Lò Văn Hòa ở tổ dân phố 9, vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng quế thay thế diện tích cam bị sâu bệnh chết; bà Nguyễn Thị Hiền tổ dân phố Nhà Máy vay vốn đầu tư cải tạo vườn cam...
Có thể khẳng định công tác xóa đói giảm nghèo ở thị trấn Nông trường Trần Phú đã và đang nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận cao trong nhân dân đang từng bước làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.
Hồng Duyên