Tính đến ngày 22/8, tổng số vốn đã giải ngân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt trên 1.622 tỷ đồng, bằng 42,3% kế hoạch, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trong nước giao trước ngày 30/6 đạt trên 1.575 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch; nguồn vốn trong nước được giao sau ngày 30/6 đạt gần 11 tỷ đồng, bằng 6,5% kế hoạch; nguồn vốn nước ngoài giải ngân trên 36 tỷ đồng, bằng 6,9% kế hoạch.
Tổng kế hoạch vốn giao cho các sở, ban, ngành của tỉnh là trên 2.038 tỷ đồng, không bao gồm số vốn chưa phân bổ chi tiết, bằng 53% tổng vốn của toàn tỉnh. Đến nay, số vốn đã giải ngân đạt gần 660 tỷ đồng. Trong đó, có 12 đơn vị chủ đầu tư giải ngân đáp ứng yêu cầu đạt từ 70% trở lên; 14 đơn vị tiến độ giải ngân chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đạt dưới 70%; 5 đơn vị chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân.
Tổng kế hoạch vốn giao cho các địa phương đạt gần 1.600 tỷ đồng, bằng 41,6% tổng vốn toàn tỉnh; đến nay đã giải ngân trên 843 tỷ đồng, bằng 52,8% kế hoạch. Đánh giá chung, kết quả giải ngân khối huyện cao hơn so với tỷ giải ngân chung toàn tỉnh, tuy nhiên kết quả giải ngân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đến nay mới có 3 địa phương giải ngân đạt trên 60% kế hoạch vốn giao là: Văn Chấn, thành phố Yên Bái và Yên Bình; các huyện: Văn Yên, Mù Cang Chải, Trấn Yên và Trạm Tấu trên 50%, còn huyện Lục Yên mới đạt 45,7% , thị xã Nghĩa Lộ mới đạt 39,4% kế hoạch.
Theo đánh giá, cơ bản các chủ đầu tư đều cố gắng trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công ngay từ ngày đầu tháng đầu năm 2019. Nhiều đơn vị đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện thủ tục đầu tư của một số dự án còn chậm, nhất là các dự án khởi công mới; một số đơn vị chủ đầu tư khi tổ chức điều chỉnh dự án không lựa chọn nhà thầu hoặc không đề xuất cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh dẫn đến khi giám sát đánh giá dự án không thực hiện đảm bảo quy trình về xây dựng cơ bản, ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện; công tác phê duyệt đầu tư ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; công tác nghiệm thu tại địa phương chưa chủ động; một số chủ đầu tư chưa kịp thời đôn đốc nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công...
Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân của một số đơn vị còn chậm là do công tác giải phóng mặt bằng, nhận thức của một số hộ dân nhận bồi thường còn hạn chế,việc thực hiện thủ tục đầu tư của một số dự án còn chậm, nhất là với dự án khởi công mới; công tác thẩm định ở các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, công tác phê duyệt đầu tư ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ đầu tư cần nghiêm túc triển khai thực hiện các nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của UBND tỉnh. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tất cả các dự án thuộc nguồn vốn được giao từ 30/6 hiện đang điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đang thẩm định, trình phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công, phê duyệt đấu thầu... cần tập trung hoàn thành các thủ tục trước ngày 30/8/2019.
Đối với nguồn vốn được giao bổ sung, các địa phương đã đăng ký sơ bộ, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt danh mục dự án ngành kế hoạch và đầu tư hoàn thành trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 28/8/2019. Sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt trong tháng 9/2019, tất cả các địa phương cần hoàn thành việc phê duyệt dự án và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; đến tháng 10 triển khai đấu thầu, khởi công.
Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vào 30/8, trong tháng 9 tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu, tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế, hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án và trình phê duyệt đấu thầu để tháng 10 tiến hành khởi công, để hoàn thành giải ngân trước 31/1/2020.
Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đồng chí yêu cầu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao. Đối với nguồn vốn nước ngoài (ODA) cần tiếp tục bám sát các Bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục điều chỉnh, bổ sung dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, về thủ tục cấp vốn..
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đối với các công trình, dự án không có khả năng giải ngân; các dự án thực hiện chậm so với yêu cầu, đặc biệt đối với các dự án thực hiện không đúng cam kết trong kịch bản giải ngân sang cho các dự án đã có khối lượng thực hiện đủ điều kiện giải ngân, các dự án có tiến độ triển khai thực hiện tốt có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị đầu tư cần nghiêm túc thực hiện kế hoạch giải ngân 5 tháng cuối năm. Đến hết ngày 30/9/2019, các nguồn vốn đã giao phải đạt giải ngân 75%, đến 31/12/2019 phải hoàn thành 100%.
Văn Tuấn - Mạnh Cường