XDNTM là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, hợp lòng dân. Tiêu chí thủy lợi là tiêu chí về cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần phục vụ XDNTM, nhất là với một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái, nguồn lực của địa phương và sức dân đóng góp thực hiện tiêu chí này còn hạn hẹp, nhất là đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương.
Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, bao gồm cả chính sách huy động và lồng ghép nguồn vốn. Cụ thể, Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND, ban hành quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện một số nội dung XDNTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2020, hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương nội đồng, mức hỗ trợ ngân sách tỉnh 70%, ngân sách cấp huyện, xã và nguồn huy động hợp pháp khác 30%.
Nghị quyết số 14/2018/HĐND tỉnh ban hành một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, hỗ trợ đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, trong đó mức ngân sách trung ương, tỉnh hỗ trợ tối đa 70%; ngân sách huyện, xã và nguồn huy động khác 30%.
Kết quả phân bổ, nguồn lực đầu tư hoàn thiện thủy lợi nội đồng trong cả giai đoạn 2011 đến 2019, gồm vốn trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (vốn trung ương và ngân sách địa phương) trên 311.536 triệu đồng, chủ yếu đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 với 240.12 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án 299.697 triệu đồng; nguồn khác 340.725 triệu đồng; dân góp 3.539,9 triệu đồng; vốn tín dụng trên 4.513 triệu đồng.
Trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 được đầu tư tập trung bằng 2 nguồn vốn chính là vốn lồng ghép từ chương trình, dự án và nguồn khác, tổng vốn là 527.986 triệu đồng. Cùng với huy động hiệu quả các nguồn lực thực hiện tiêu chí thủy lợi, giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, làm mới được 518 danh mục công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư trên 351.185 triệu đồng. Giai đoạn 2016 - 2019, đã sửa chữa, nâng cấp, làm mới 433 danh mục công trình thủy lợi, tổng mức đầu tư trên 598,810 triệu đồng.
Tính đến tháng 5/2019, số huyện đạt tiêu chí thủy lợi là 4/9 huyện, thị, thành phố; có 51 xã đạt chuẩn NTM; 139 xã đạt tiêu chí thủy lợi, đạt 88,5% so với mục tiêu đề án xây dựng đến năm 2020. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015, số xã đạt tiêu chí về thủy lợi là 90 xã; giai đoạn 2016 đến tháng 5/2019, có thêm 49 xã đạt tiêu chí này.
Hiện, toàn tỉnh có 29 trạm bơm có tổng lưu lượng nhỏ hơn 1.000 m3/giờ; 1.200 đập dâng kiên có hóa có chiều cao từ 5 - 10m; 17 cống có chiều rộng thoát nước nhỏ hơn 5 m; có 94 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000 đến 500.000 m3; 53 hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 50.000 m3; số kênh mương nội đồng cấp 3 và kênh mương nội đồng được kiên cố hóa là 115 km. Trên thực tế, hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn thiện trong 10 năm qua đã đảm bảo tưới tiêu cho trên 24.669 ha cây trồng vụ đông xuân và gần 20.000 ha cây trồng vụ mùa.
Trong đó, diện tích đất trồng lúa được tưới tiêu là trên 19.370 ha và trên 210 ha cây trồng cạn. Các công trình thủy lợi đã góp phần đảm bảo cấp thoát nước chủ động cho trên 449 ha nuôi trồng thủy sản.
Huyện Mù Cang Chải nằm trong số huyện nghèo và đặc biệt khó khăn của cả nước, nguồn lực phân bổ đầu tư cho thực hiện tiêu chí thủy lợi trong XDNTM được tỉnh đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2011 - 2019, trên 256,9 tỷ đồng được đầu tư cho địa phương để kiên cố 106 công trình thủy lợi. Hiện, Mù Cang Chải có 696 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với chiều dài 812.653m, đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho 4.360 ha lúa 2 vụ.
Đến nay, huyện đã có 10 xã, chiếm 76,9% số xã cơ bản đạt tiêu chí về thủy lợi. Tiêu chí thủy lợi được quan tâm đầu tư đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải. Diện tích canh tác, đặc biệt là đối với diện tích gieo cấy lúa nước tăng đáng kể.
Ngoài 4.360 ha lúa 2 vụ hàng năm, huyện đã đưa được 1.800 ha đất ruộng một vụ lúa vào canh tác; tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện hết năm 2018 đạt trên 42.000 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 600 kg/người/năm.
Tại thành phố Yên Bái, 8/8 xã đã hoàn thành mục tiêu XDNTM. Đối với Âu Lâu - xã thuần túy sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã: "Từ sự đầu tư ngân sách Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, hệ thống công trình thủy lợi của xã đã từng bước được củng cố, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là động lực giúp nông dân mạnh dạn áp dụng các phương thức luân canh, duy trì, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, tạo nguồn thu nhập ổn định. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thủy lợi, trên thực tế rất cần bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, khắc phục những tuyến mương dẫn nước bị hư hỏng sau thiên tai. Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cũng cần được đẩy mạnh gắn với trách nhiệm của người dân”.
Tiếp tục nâng cao tiêu chí thủy lợi đã đạt được trong giai đoạn 2010 - 2020, đảm bảo phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đáp ứng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu định hướng phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 9 xã đạt tiêu chí thủy lợi đối với xã đạt chuẩn NTM. Mục tiêu trong năm 2020, phấn đấu huyện Văn Yên đạt tiêu chí về thủy lợi trong XDNTM; 10 xã thuộc 5 huyện: Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải và Trạm Tấu đạt tiêu chí về thủy lợi.
Minh Thúy