Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Yên Bái luôn xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó đã sớm triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch phát triển giao thông vận tải, giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 với sự bổ sung những điểm mới, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc và các quy hoạch của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trên cơ sở đó, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Yên Bái đã triển khai sửa chữa mặt đường thảm bê tông nhựa quốc lộ 37 đoạn qua thành phố Yên Bái với tổng chiều dài 9km.
Nhờ đó, diện mạo giao thông đô thị trở nên hoàn thiện, mặt đường được rải áp phan, sơn kẻ vạch giúp mọi người tham gia giao thông thuận tiện, an toàn.
Cùng đó, tuyến đường nối nút giao IC12 cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên dài trên 4km cũng được bàn giao đưa vào sử dụng, đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của nhân dân; đồng thời, kết nối các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn và một số xã phía Tây của huyện Trấn Yên với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và thành phố Yên Bái.
Song song với đó, công tác sửa chữa, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ cũng được chú trọng, trong đó phải kể đến việc nâng cấp, cải tạo mặt đường thảm bê tông nhựa quốc lộ 37 đoạn từ km 315 - km 330 và từ km 340 - km 356; sửa chữa mặt đường, láng nhựa 27km đường Văn Chấn - Trạm Tấu; sửa chữa mặt đường, láng nhựa đường Âu Lâu - Đông An; sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước đường Chế Tạo...
Đặc biệt, thời gian qua, công trình cầu Bách Lẫm với tổng vốn đầu tư 512 tỷ đồng được thiết kế vĩnh cửu, hiện đại với quy mô bề rộng toàn cầu 16m cho nhịp dẫn và bề rộng toàn cầu 18m cho nhịp chính, chiều dài toàn cầu 435,5m được thông xe và đưa vào sử dụng từ 30/6/2018 đã tạo ra một điểm nhấn trong hệ thống giao thông thành phố Yên Bái.
Tiếp đó, ngày 25/9/2018, công trình cầu Tuần Quán được thông xe kỹ thuật trong niềm hân hoan phấn khởi của đông đảo nhân dân và chính quyền các cấp và đến ngày 28/8/2019, đường dẫn nối đường Âu Cơ với cầu Tuần Quán sẽ được thông xe kỹ thuật.
Từ đây, cơ hội thông thương, kết nối hạ tầng hai bờ sông Hồng được mở ra, góp phần đưa thành phố xứng tầm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái và sớm trở thành đô thị loại II vào năm 2020 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.
Cùng đó, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai một số dự án như: dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án đường nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái (theo hình thức BT); dự án kết nối quốc lộ 32 tại thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC14; dự án cầu Cổ Phúc; đường Khánh Hòa - Văn Yên…
Theo thống kê, ngoài tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa bàn với chiều dài 80km thì mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ với chiều dài 491km, 15 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 439km và 181km đường nội thị hoàn chỉnh, kết nối thuận lợi không chỉ trong vùng Tây Bắc mà còn kết nối với vùng Đông Bắc và trung du miền núi phía Bắc, đáp ứng cho giao thương vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Yên Bái phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kết nối giao thương giữa các vùng miền, vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Giao thông đồng bộ, hoàn thiện đã tạo nên sức hút lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc; các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu giữa các vùng miền được đẩy mạnh.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 28 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 12.332 tỷ đồng (tăng 10 dự án và tăng 12.010 tỷ đồng vốn đăng ký so với cùng kỳ); cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 134 doanh nghiệp (bằng 50,6% kế hoạch năm), với tổng số vốn đăng ký 4.175 tỷ đồng (tăng 2.792 tỷ đồng vốn đăng ký so với cùng kỳ); thành lập mới 50 hợp tác xã (bằng 83,3% kế hoạch năm), 1.640 tổ hợp tác (bằng 74,6% kế hoạch năm). Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.044 doanh nghiệp, 376 hợp tác xã, 2.476 tổ hợp tác và 21.148 hộ kinh doanh.
Có thể nói, chưa bao giờ hệ thống giao thông Yên Bái lại có sự hoàn thiện, đồng bộ như bây giờ. Đây chính là đòn bẩy để Yên Bái có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt, vượt kế hoạch đề ra; chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến, kết quả tốt; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao…
Hùng Cường