Đến với nhiều xã, thôn, bản của huyện Trấn Yên trong những ngày mùa thu tháng Tám này, có thể nhận thấy bộ mặt nông thôn đã có những đổi thay đáng kể. Người dân từ xã Hồng Ca, Kiên Thành đến Quy Mông, Việt Thành, Nga Quán… thi đua xây dựng đời sống văn hóa, cùng hiến đất mở đường giao thông, tăng gia sản xuất để thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Cùng với những con đường bê tông bằng phẳng đạt chuẩn, nhiều ngôi nhà kính màu lộng lẫy đã được xây dựng khang trang nằm tựa lưng bên những lưng đồi, tô thêm mảng màu tươi sáng của những làng quê. Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới đến với các địa phương, mang lại niềm vui, sự tin tưởng khi đời sống vật chất, tinh thần nâng lên.
Khi thực hiện chương trình XDNTM, huyện Trấn Yên cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh đối diện muôn vàn khó khăn, thử thách. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm thấp kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vừa bắt tay xây dựng xã NTM cũng là lúc huyện phấn đấu xây dựng huyện NTM đầu tiên của cả tỉnh. Một cuộc cách mạng đổi mới chưa từng có đã được bắt đầu thực hiện trên mọi miền quê Trấn Yên giàu truyền thống cách mạng.
Song song với đó, mọi công tác chỉ đạo đã được tiến hành bài bản, có trước, có sau, có nghĩa, có tình được quần chúng nhân dân đồng thuận cao. Cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc một cách quyết liệt, trên khắp các bản làng, thôn xóm, từ người Mông, đến người Dao, người Tày, người Kinh… chung tay đồng lòng hăng hái thi đua XDNTM. Không máy móc, dập khuôn, mà trong quá trình chỉ đạo, xây dựng, phát triển luôn có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình mới.
Ban đầu xây dựng phong trào rộng khắp, rồi sau chuyển từ lượng sang chất và XDNTM từ nhà ra ngõ, từ thôn lên xã, từ xã đến huyện. XDNTM lấy người dân làm chủ thể, mục tiêu cuối cùng của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Các địa phương đã chú trọng quan tâm lập quy hoạch, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm có lợi thế, các vùng sản xuất lớn đã được hình thành. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy vai trò chủ thể người dân, nhất là trong việc bàn bạc và quyết định các nội dung XDNTM với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng”.
Mục tiêu ngay từ khi thực hiện xuyên suốt cả quá trình là XDNTM theo hướng thực chất và nâng cao, XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch; hài hòa giữa phát triển nông thôn mới đô thị xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ…
Từ những sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay, số xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM là 16 xã/ tổng số 21 xã gồm: Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Nga Quán, Bảo Hưng, Vân Hội, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Minh Quân, Minh Tiến, Cường Thịnh, Minh Quán, Việt Cường, Y Can, Quy Mông.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM là 76,2% tổng số xã trên địa bàn huyện; 5 xã còn lại đều đạt từ 14 - 19 tiêu chí NTM; các tiêu chí còn lại đang trong giai đoạn hoàn thành và sẽ hoàn thành trong năm 2019. Các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng kế hoạch xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, thôn NTM kiểu mẫu.
Tập trung phát triển theo hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết bền vững trong sản xuất. Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối với thực hiện tiêu chí huyện NTM, đến nay, huyện đã cơ bản đạt 6/9 tiêu chí (giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự, chỉ đạo XDNTM).
Có thể thấy, phong trào XDNTM ở Trấn Yên đã tạo những bước khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Trấn Yên đã tạo được sự đồng thuận thống nhất cao của người dân, khẳng định được vai trò người dân là chủ thể trong XDNTM, chủ động trong việc hiến công, hiến đất, cây cối hoa màu, kinh phí góp phần thành công chương trình XDNTM trên địa bàn huyện. Trong những năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện đã tham gia đóng góp 217.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn; hiến 517.870 m2 đất để làm đường, làm nhà văn hóa thôn; tham gia làm 250 km đường điện chiếu sáng ở các tuyến đường trung tâm xã và khu vực dân cư là những con số đáng trân trọng.
Trong sản xuất nông nghiệp, đã có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị như: vùng tre măng Bát độ gần 3.400 ha, vùng quế trên 15.000 ha, chè chất lượng cao 200 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm trên 500 ha, vùng trồng cây ăn quả có múi trên 700 ha, 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa.
Trấn Yên đã tạo ra một sản phẩm chủ lực của huyện cũng như sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh với khối lượng lớn và có giá trị hàng hóa như: sản phẩm măng tre Bát độ, kén tằm, quế, chè Bát tiên... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh… để trở thành huyện NTM vào năm 2020.
Thanh Phúc