Mấy anh bạn am tường đất vùng cao Mù Cang Chải bảo: "Vụ này táo không được mùa như mọi năm mà giá bán cũng không đắt. Đầu vụ, đồng bào hái trên rừng về, quả tươi ngon bán trên dưới chục ngàn mỗi ký”.
Lạ nhỉ, sao quả táo của đồng bào lại trái với quy luật được mùa - mất giá, mất mùa - được giá như rất nhiều sản phẩm nông nghiệp khác? Tôi tự đặt câu hỏi và cố gắng tìm câu trả lời.
Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích cây sơn tra của huyện Mù Cang Chải là 4.183 ha, diện tích cho thu hoạch đạt 2.500 ha, năng suất trung bình đạt 1,4 - 1,5 tấn/ha/năm, tổng sản lượng trên 3.000 tấn quả/năm.
Năm 2019, nhiều diện tích sơn tra tiếp tục cho thu hoạch, bên cạnh đó, nhiều diện tích khác cây đã trưởng thành cho năng suất cao hơn, chưa kể người Mông đã biết chăm sóc cho cây đặc sản này nên năng suất, sản lượng sẽ còn tăng nữa. Vậy là tổng sản lượng sơn tra của Mù Cang Chải năm 2019 chắc chắn sẽ đạt trên dưới 4.000 tấn quả tươi.
Xem lại mới thấy, lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến việc trồng, phát triển diện tích sơn tra mà chưa hoặc không quan tâm nhiều đến việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Không nói thì ai cũng biết, phần lớn quả sơn tra đều được sơ chế đơn giản là ngâm rượu hoặc muối xổi ăn chơi, một lượng rất ít làm thuốc bắc.
Nghe nói đã có doanh nghiệp sản xuất rượu vang từ quả sơn tra, thực tế thì người viết bài này cũng chưa lần nào mục sở thị hoặc nhâm nhi ly vang sơn tra Mù Cang Chải trong các bữa tiệc. Đúng là rượu mà ngâm táo mèo thì uống rất êm dịu, uống điều độ còn giúp người ta ăn ngon, ngủ ngon; táo mèo dầm xổi với vị chua chát đặc trưng, cộng với vị mặn của bột canh, vị cay của ớt… thì thôi rồi, chỉ tả thế cũng đủ ứa nước miếng, chẳng cứ chị em mà cánh đàn ông cũng mê tít.
Tiếc là chưa có kênh tiêu thụ quả sơn tra tươi vào thị trường phía Nam, càng không có kênh nào xuất khẩu, thị trường Hà Nội cũng có nhưng chưa nhiều, chưa mạnh. Giá mà việc xúc tiến thương mại cho quả sơn tra Yên Bái được làm mạnh hơn, bài bản, thiết thực, hiệu quả hơn thì giá trị, nguồn lợi từ quả sơn tra sẽ còn lớn hơn nữa.
Đề án phát triển cây sơn tra được triển khai rất hiệu quả, trình độ thâm canh của đồng bào Mông ngày một khá hơn, vì thế, sản lượng sơn tra Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn sẽ còn tăng nữa. Bởi vậy, bên cạnh việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thì ngay lúc này chúng ta cần phải có một nhà máy chế biến, phải có chính sách thu hút đầu tư hết sức đặc thù để doanh nghiệp với công nghệ chế biến hiện đại vào đầu tư, cho ra đời những sản phẩm mang giá trị cao, sức tiêu thụ lớn, có vậy mới nâng tầm được quả sơn tra Yên Bái.
Cô bạn làm ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải mang tặng mấy cân sơn tra được hái từ rừng trồng tập trung theo Đề án phát triển cây sơn tra. Bạn hoan hỉ: "Phấn khởi lắm anh ạ, người Mông Mù Cang Chải đã có cây trồng phù hợp, dễ tính, dễ làm, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tạo ra được sản lượng hàng hóa lớn, mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ đã có cuộc sống khá nhờ cây sơn tra. Đúng là đời sơn tra không còn lăn lông lốc như nhà báo đã viết. Với những cán bộ công tác tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải và những ai quan tâm đến tài nguyên, môi trường thì hiểu nhờ cây sơn tra mà rừng không những được bảo vệ mà còn phát triển thêm nữa”.
Bạn tôi vui, tôi cũng vui nhưng bắt đầu lo cho cây sơn tra, lo cho quả táo mèo nếu không đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nếu không có một nhà máy chế biến. Nỗi lo đã cận kề trước mắt, chứ không phải xa đâu!
Lê Phiên