Xuất phát điểm là xã thuần nông, đặc biệt khó khăn, nhưng từ khi có chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhân dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; từ đó, góp phần vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Trước năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Kiên Thành chiếm trên 70%. Điều này, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: xuất phát điểm thấp, giao thông đi lại khó khăn, hình thức tổ chức sản xuất còn lạc hậu trong khi nhận thức của người dân không đồng đều, đặc biệt là người dân thiếu vốn, kiến thức, khoa học, kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, thâm canh trên chính mảnh đất quê hương.
Trong bối cảnh đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội như một làn gió làm dịu cơn "khát” vốn của đồng bào nơi đây.
Trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của Huyện ủy Trấn Yên, xã Kiên Thành đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các trưởng thôn, tổ trưởng tổ vay vốn. Nội dung của chính sách cho vay được thông báo công khai ở điểm giao dịch xã và tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh xã.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền thường xuyên chỉ đạo các trưởng thôn, tổ trưởng tổ vay vốn tham gia tích cực trong công tác quản lý vốn trên địa bàn; chỉ đạo các tổ vay vốn tổ chức sinh hoạt hàng tháng. Ngoài ra, công tác bình xét đối tượng vay vốn, giám sát quá trình cho vay và việc sử dụng vốn vay được thực hiện công khai, minh bạch, thường xuyên nên từ đó có sự chỉ đạo kịp thời khi phát hiện sai sót.
Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: "Ngoài việc làm tốt quản lý, giám sát nguồn vốn vay, địa phương tận dụng, lồng ghép với các chương trình dự án phát triển kinh tế, khuyến nông, khuyến lâm để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, thúc đẩy giảm nghèo bền vững”.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai đầy đủ tới nhân dân xã Kiên Thành. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư có hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đến 30/6/2019, tổng dư nợ toàn xã đạt 31 tỷ đồng với 658 hộ vay vốn (chiếm 69% số hộ dân trong xã), tăng 16,5 tỷ đồng so với năm 2014. Số hộ vay trả nợ khi đến hạn thời điểm năm 2014 chỉ đạt 60% còn lại phải xin gia hạn nợ thì đến năm 2019 đã nâng lên 98%, chất lượng tín dụng ổn định, không nợ quá hạn, không có lãi tồn.
Đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên như: hộ ông Hà Văn Trường, thôn An Thịnh có trâu sinh sản và hơn 7 ha quế, 3 ha tre măng Bát độ, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng; hộ ông Giàng A Măng, Giàng A Chứ, thôn Đồng Ruộng nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi ban đầu đã đầu tư cho phát triển trồng quế, tre măng Bát độ, đến nay đã mua được máy thêu hiện đại, xây dựng mô hình ngành nghề thổ cẩm của người Mông, có sản phẩm trao đổi mua bán trên thị trường; hộ bà Hà Thị Lán ở thôn Đồng Cát, hộ ông Lê Văn Dưỡng, thôn Yên Thịnh có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm…
Có thể khẳng định, từ sau khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, chất lượng, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã Kiên Thành đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững từ 28,62% năm 2014 xuống còn 6,2% năm 2019, tạo động lực để Kiên Thành hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Hà Tuấn