Khoanh nợ, xóa nợ thuế: Nỗ lực lớn trong thu ngân sách

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/11/2019 | 8:09:11 AM

Việc ban hành một nghị quyết để xử lý nợ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 01/7/2020 mà không có khả năng thu nộp ngân sách nhà nước.

Để giải quyết tình trạng nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). 


Việc ban hành các quy định pháp luật về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN (gọi tắt là xử lý nợ thuế) hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì hiện nay, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện việc xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi. 

Vấn đề này cũng hoàn toàn bình thường đối với các tổ chức có thực hiện việc thu hồi công nợ như doanh nghiệp và ngân hàng, các nơi luôn thực hiện công tác dự phòng nợ khó đòi và xử lý nợ xấu trên bảng cân đối kế toán hàng năm. Đối với cơ quan quản lý thuế, việc xử lý nợ thuế sẽ giúp cho bảng cân đối ngân sách được rõ ràng và minh bạch hơn. 

Đồng thời, cơ quan quản lý và cán bộ quản lý thuế cũng giảm bớt thời gian để theo dõi, quản lý những khoản nợ không còn đối tượng thu. Từ đó, họ dành thời gian tập trung quản lý các khoản nợ mới và gia tăng công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu để phòng chống các khoản nợ đọng mới phát sinh. 

Khoanh nợ, xóa nợ thuế chậm nộp cũng giúp cơ quan quản lý thuế tinh giản nhân lực bộ máy, tiết kiệm chi phí hành thu và nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống. Đối với người nộp thuế, ngoại trừ các trường hợp cố tình chây ỳ nộp thuế, thì hầu hết các khoản nợ thuế phát sinh cần xử lý đều do yếu tố khách quan như: người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc do doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng... 

Khi các khoản nợ đọng được xóa bỏ, sẽ giúp cho người thừa kế không còn bị liên đới trách nhiệm nợ, giúp cho người góp vốn, người đại diện pháp luật được giải phóng nghĩa vụ pháp lý để tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh khác đóng góp cho xã hội. 

Mặt khác, việc xử lý nợ thuế đối với doanh nghiệp bị thiệt hại, bị thiên tai, bất khả kháng... còn thể hiện ý nghĩa nhân văn của pháp luật thuế. Điều này, giúp cho chính sách thuế gần gũi hơn với cuộc sống và thể hiện sự cảm thông, sẻ chia của Nhà nước với các khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. 

Ông Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái chia sẻ: khi áp dụng cơ chế xóa nợ thuế cho các đối tượng, cơ quan thuế cần có sự phối hợp với các đơn vị hỗ trợ khác như kiểm toán, ngân hàng, quản lý tài sản… 

Từ đó, xác định thực tế khách quan của các khoản nợ thuế và loại trừ các hành vi tẩu tán tài sản trước khi tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Đối với người mất tích, việc xử lý chỉ nên ưu tiên thực hiện bằng biện pháp khoanh nợ. Bởi vì, trong trường hợp người bị xem là mất tích trở về thì các khoản nợ sẽ bị khôi phục toàn bộ, với đầy đủ các yếu tố nợ gốc và tiền chậm nộp. Điều này, nhằm tránh các trường hợp bỏ trốn khỏi địa phương để lạm dụng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước. 

Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, việc xử lý cũng chỉ nên ưu tiên thực hiện bằng biện pháp khoanh nợ. Bởi vì, trong trường hợp người bị xem là mất năng lực hành vi dân sự hồi phục lại thì các khoản nợ sẽ bị khôi phục toàn bộ nợ gốc. Do bệnh tật là có yếu tố khách quan, vì thế không nên tính tiền chậm nộp với đối tượng này để thể hiện tính nhân văn của pháp luật. 

Việc xóa hoàn toàn các khoản nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách (bao gồm tiền thuế nợ gốc, phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp) là nhu cầu chính đáng của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, yêu cầu thu đúng, thu đủ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đáp ứng nhu cầu chi NSNN và xã hội. Do đó, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ thuế tại kỳ họp Quốc hội lần này là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.        

Quang Thiều

Tags Xóa nợ thuế khoanh nợ thu ngân sách người nộp thuế

Các tin khác

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai đầy đủ tới nhân dân xã Kiên Thành (Trấn Yên).

Khách hàng giao dịch vàng miếng.

Giá vàng SJC tại các doanh nghiệp lớn trong nước giảm từ 20.000-60.000 đồng mỗi lượng phiên sáng 4/11, trong khi thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng giảm 20.000 đồng.

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu hơn 5,3 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD.

Nông dân xã An Bình sơ chế măng tre Bát độ.

Có diện tích đất đồi lớn, nhưng trước đây xã An Bình, huyện Văn Yên chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, sắn, quế và vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh đất đai. Gần đây, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, An Bình tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư trồng tre măng Bát độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục