Đặc biệt, vài năm gần đây, để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ thành phố và thực hiện đề án sản xuất rau an toàn, quy hoạch vùng trồng rau tại các xã vùng ven có tiềm năng sản xuất như Âu Lâu, Tuy Lộc, Văn Phú… đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến tích cực và trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Trước đây, người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chỉ sản xuất vụ xuân, vụ mùa thì nay đã sản xuất rau an toàn, rau sạch làm hàng hóa, sản xuất luân canh, gối vụ. Vụ đông không còn đất bỏ hoang mà đã được trồng ngô, trồng rau và thực sự trở thành vụ chính.
Những ngày trung tuần tháng 11, trên khắp các cánh đồng thuộc xã Âu Lâu trải rộng sắc xanh của rau màu vụ đông. Bí thư Đảng ủy xã Lê Toàn Thắng phấn khởi: "Sản xuất rau xanh, rau an toàn, nhất là sản xuất vụ đông đối với người dân xã Âu Lâu đã và đang trở thành một nghề và cho thu nhập khá ổn định, với mức bình quân đạt 120 - 150 triệu đồng/ha. Hiện, cả xã có 200 hộ dân sản xuất cây vụ đông và trồng rau xanh, rau an toàn. Vụ đông này, toàn xã đưa vào gieo trồng trên 30 ha rau màu các loại, phấn đấu giá trị sản xuất cây vụ đông trên 4 tỷ đồng”.
Bí thư Lê Toàn Thắng dẫn chúng tôi xuống thăm cánh đồng thôn Cống Đá. Cả một cánh đồng rộng đã được trồng kín rau xanh với bắp cải, cà chua, bí đao, dưa, đậu đỗ… Ông Nguyễn Trịnh Hưng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau an toàn, đồng thời là một hộ đang sản xuất rau cho biết: "Vụ đông này HTX đưa vào gieo trồng 2 ha, chủ yếu là rau sạch, rau an toàn như: bắp cải, cải ngọt, cà chua, bí xanh… Toàn bộ diện tích rau của các thành viên HTX đều áp dụng quy trình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nâng cao hơn sản xuất thông thường”.
Cũng như nhiều hộ dân thôn Cống Đá, vụ đông này anh Nguyễn Quang Sáng tập trung trồng cà chua, rau bắp cải, cải ngọt, bí đao, su su… trên 9 sào đất. Anh Sáng chia sẻ: "Làm rau màu, nhất là rau màu vụ đông không quá khó. Chỉ cần chúng ta gieo trồng đúng khung thời vụ, chăm sóc đúng quy trình là rau lên xanh tốt. Trồng rau vất vả hơn trồng lúa nhưng thu nhập lại cao hơn gấp hai, ba lần. Với 9 sào đất, gia đình tôi trồng rau an toàn cung ứng cho thị trường thành phố, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 140 - 160 triệu đồng”.
Đến xã Tuy Lộc, Văn Phú và Tân Thịnh… đâu đâu cũng bắt gặp một màu xanh mướt của rau màu vụ đông. Không sản xuất đơn thuần mà hầu hết các hộ đã biết liên kết thành tổ hợp tác, HTX. Các sản phẩm rau do các tổ hợp tác, HTX sản xuất đều được chứng nhận đủ điều kiện, được bao gói, có tem nhãn rõ ràng và được người tiêu dùng tin tưởng. Việc sản xuất rau an toàn đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân từ phương thức quảng canh sang thâm canh, từ thiếu an toàn sang an toàn, từ đơn lẻ sang liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất vụ đông không chỉ nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng tăng sản lượng, đáp ứng nguồn cung rau xanh cho thị trường và là cơ sở để thành phố đạt giá trị sản xuất trên 480 tỷ đồng.
Mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân và các tổ hợp tác, HTX thực hiện sản xuất rau an toàn, nâng cao thu nhập sẽ góp phần để thành phố Yên Bái hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2019. Sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Thanh Phúc