Vài năm gần đây, Yên Bái khai thác và có những cách làm khá hiệu quả thu hút, phát triển du lịch. Nhờ vậy, du khách trong nước, quốc tế đến với Yên Bái ngày một nhiều, doanh thu từ du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh và du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Rõ nét nhất là việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung làm tốt quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá kêu gọi đầu tư vào phát triển du lịch; thường xuyên tiếp xúc làm việc với các cơ quan, nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế tiềm năng trong, ngoài nước để xúc tiến đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ du lịch; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khách sạn… tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch.
Tỉnh đã xây dựng, hình thành và phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải) và vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên. Cùng đó, hình thành và phát triển 5 dòng sản phẩm du lịch là: tham quan - nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc; sinh thái; tâm linh và du lịch mạo hiểm.
Yên Bái đã xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018; phê duyệt Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Bằng việc làm và hướng đi cụ thể, Yên Bái đã xây dựng, hình thành được một số điểm du lịch thu hút lượng khách khá ổn định như vùng du lịch hồ Thác Bà; khu du lịch cộng đồng vùng Đông Hồ; khu du lịch Lavie Vũ Linh hay khu du lịch Đại An (xã Khai Trung, huyện Lục Yên). Đặc biệt, một số điểm du lịch ở miền Tây như: du lịch sinh thái - cộng đồng huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ…
Yên Bái đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay khá hấp dẫn tại đèo Khau Phạ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và suối nước nóng Trạm Tấu…
Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, Yên Bái phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng như làng du lịch Khai Trung, Tân Lĩnh, Lâm Thượng (Lục Yên) - nơi có đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng sinh sống; làng du lịch cộng đồng người Dao, Tày, Cao Lan vùng Đông Hồ; làng du lịch cộng đồng người Mông ở xã La Pán Tẩn, người Thái ở xã Kim Nọi (Mù Cang Chải)… với hàng trăm gia đình tham gia làm du lịch. Bình quân hàng năm, các làng du lịch cộng đồng này đón trên 200.000 lượt khách, thời gian lưu trú trung bình 2 ngày.
Cùng với xây dựng, đầu tư, phát triển các thắng cảnh, các điểm, tour tuyến du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, Yên Bái còn thường xuyên tổ chức các sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch: Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, gắn với Festival Dù lượn đèo Khau Phạ; Lễ hội đền Đông Cuông gắn với Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn (Văn Yên); Lễ hội đền Đại Cại (Lục Yên); Lễ hội Quế Văn Yên; Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà…
Cùng đó, tỉnh đã làm tốt việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Hiện, toàn tỉnh có 105 di tích, trong đó, có 13 di tích lịch sử quốc gia.
Nhờ phát huy tổng hợp các nguồn lực phát triển du lịch, doanh thu du lịch, dịch vụ có bước tăng trưởng mạnh và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tính riêng năm 2018, Yên Bái đón được trên 560.000 lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ, vượt 9,8% so với kế hoạch (khách quốc tế 25.758 lượt), doanh thu đạt trên 333 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2017, vượt 18% so với kế hoạch.
Năm 2019, phấn đấu thu hút trên 700.000 lượt khách, doanh thu du lịch, dịch vụ đạt 420 tỷ đồng - một con số không phải là lớn với các địa phương trọng điểm du lịch, nhưng với một tỉnh miền núi là rất đáng khích lệ.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới Yên Bái tiếp tục tăng cường chỉ đạo phát triển du lịch, xây dựng thêm những cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh; phát triển và nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm du lịch, đáp ứng ngày một cao của du khách và xây dựng Yên Bái trở thành điểm du lịch thân thiện, mến khách.
Thanh Phúc