Yên Bái phòng chống đói, rét cho gia súc: Chủ động, không chủ quan

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/11/2019 | 8:11:44 AM

YênBái - Ngay từ đầu vụ đông xuân năm nay, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc.

Người chăn nuôi ngày càng có ý thức hơn trong việc chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.
Người chăn nuôi ngày càng có ý thức hơn trong việc chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.

Người dân đã chủ động

Từ năm 2018 trở về trước, năm nào xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cũng có hàng chục con trâu, bò bị chết do đói, rét. Nguyên nhân phần lớn do thói quen thả rông gia súc cùng với việc chưa chủ động dự trữ nguồn thức ăn. Xác định nâng cao ý thức cho người dân giữ vai trò quyết định trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, xã đã tập trung hướng dẫn, vận động bà con làm chuồng trại, che chắn và dự trữ thức ăn. 

Ông Thào A Dê ở bản Nậm Khắt cho biết: "Mùa đông năm nay, thu hoạch lúa mùa xong là gia đình giữ hết số rơm để cho đàn trâu ăn. Mình cũng đã chuẩn bị bạt để che chuồng khi trời rét”. Không chỉ ở Nậm Khắt, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều đã nâng cao ý thức phòng chống đói, rét cho đàn gia súc của gia đình. Chị Mùa Thị Máy, thôn Nả Dề Thàng, xã Khao Mang cho hay: "Nhà tôi có 2 con trâu là tài sản lớn của gia đình. Được cán bộ tuyên truyền nên tôi đã chủ động đưa đàn trâu về nuôi nhốt và trồng cỏ voi quanh nhà làm thức ăn cho chúng trong mùa đông”. 

Hiện nay, khắp các thôn bản của huyện, hầu hết các hộ chăn nuôi đã làm chuồng trại kiên cố, lót chuồng giữ ấm cho trâu, bò và tích trữ sẵn các loại thức ăn thô, thức ăn tinh để bảo đảm nguồn thức ăn nếu thời tiết bất lợi. 

Là một trong hai huyện vùng cao của tỉnh, mùa đông những năm trước, Trạm Tấu còn có nhiều trâu, bò bị chết đói, chết rét. Rút kinh nghiệm thực tế, ngay từ đầu vụ đông năm nay, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc; vận động bà con làm cây rơm dự trữ thức ăn, lùa hết trâu, bò thả rông về nuôi nhốt tại chuồng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời. Nhờ vậy nên ý thức của người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc đã được nâng lên. 

Chỉ tay về phía chuồng trâu chất đầy rơm khô phía trên, chị Vàng Thị Dư ở xã Trạm Tấu nói: "Nhà có 2 con trâu và 1 con bò, mình vừa sửa lại chuồng cho chúng và che chắn cẩn thận”. 

Vụ đông này, huyện Trạm Tấu phấn đấu có trên 91% số hộ chăn nuôi có chuồng trại; 100% số hộ chăn nuôi sử dụng bạt dứa, vật liệu có sẵn để che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm cho gia súc khi có rét đậm, rét hại, mưa tuyết, băng giá và dự trữ đủ thức ăn hết mùa đông; bảo đảm 100% số gia súc được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo kế hoạch để tăng cường sức đề kháng. 

Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Phòng đã cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, bản hướng dẫn người dân cách chống rét và chăm sóc trâu, bò. Đến nay, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc được triển khai đến các hộ chăn nuôi ở 57/57 thôn, tổ dân phố của các xã, thị trấn”. 

Không chủ quan, lơ là

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, vụ rét các năm trước, toàn tỉnh vẫn còn nhiều gia súc bị chết, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Nguyên nhân một phần do khí hậu khắc nghiệt nhưng phần lớn là thói quen thả rông gia súc, khi thời tiết chuyển rét bà con không đưa gia súc về chuồng trại cũng như chưa chủ động dự trữ được nguồn thức ăn. 

Trước những diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết và dịch bệnh trên đàn gia súc những năm gần đây, các cấp chính quyền đã chủ động xây dựng kế hoạch và giải pháp để bảo vệ đàn vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do đói, rét và dịch bệnh gây ra. 

Ngay từ đầu vụ đông xuân năm nay, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc. 

Các huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trực tiếp xuống các xã, thôn chỉ đạo thực hiện các biện pháp chế biến, dự trữ thức ăn và sửa chữa, làm mới chuồng nuôi; chỉ đạo UBND các địa phương thống kê tổng đàn gia súc lớn, tình hình chuồng trại, thức ăn chăn nuôi để có phương án phòng chống cụ thể. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã cử cán bộ xuống các địa phương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cũng như kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. 

Công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc trong mùa đông đã được các địa phương tích cực triển khai. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 42.000 hộ chăn nuôi trâu, bò, trong đó còn chừng 2.200 hộ chưa có chuồng bảo đảm chống rét; số hộ có thức ăn dự trữ đạt 83%; tổng diện tích trồng cỏ của cả tỉnh đạt gần 3.000 ha mới đáp ứng được khoảng 35% lượng thức ăn xanh cho đàn gia súc. 

Chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo người dân làm mới, gia cố, nâng cấp và che chắn chuồng trại, bảo đảm vệ sinh thú y; hướng dẫn nông dân thu gom, dự trữ, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu, bò. 

Đối với các xã vùng cao cần vận động người dân đưa trâu, bò thả rông về chuồng nuôi để tiện theo dõi và chăm sóc; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các buổi họp thôn bản để người dân nêu cao ý thức phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc. Đồng thời, các địa phương phải quan tâm thường xuyên việc thông báo kịp thời diễn biến thời tiết để giúp người chăn nuôi chủ động có biện pháp phòng tránh rét hiệu quả cho đàn gia súc. 

Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: 



"Để làm tốt công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, cần cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, nhất là phải vận động người chăn nuôi làm chuồng và dự trữ thức ăn. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y phải thường xuyên đến các hộ kiểm tra, đôn đốc vệ sinh chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc”.

Ông Hoàng Văn Nguyên - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải: 



"Với phương châm "Phòng là chính, người dân, cơ sở là chính”, chúng tôi vận động người dân tận dụng hết mọi diện tích đất trống, khe suối, đất nương rẫy bỏ hoang để trồng cỏ; chăm sóc tốt diện tích cỏ hiện có và tận dụng rơm, rạ phơi khô, thân lá cây ngô làm nguồn thức ăn dự trữ. Huyện quyết tâm trong vụ đông xuân 2019 - 2020 sẽ không để xảy ra tình trạng gia súc chết đói, chết rét”.

Ông Thào A Páo - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải: 



"Xã Nậm Khắt hiện có trên 1.640 con trâu, đàn bò gần 470 con với hơn 730 hộ chăn nuôi. Chúng tôi đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc; xây dựng kế hoạch cụ thể và giao cho cán bộ xã phụ trách thôn, bản, các trưởng bản thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp. Đến nay, 100% số hộ chăn nuôi đã có chuồng nuôi nhốt gia súc; làm được trên 700 cây rơm, trồng gần 70 ha cỏ voi”. 

Văn Thông - Hồng Duyên

Tags Văn Chấn Mù Cang Chải Trạm Tấu Nậm Khắt gia súc chống đói rét dịch bệnh

Các tin khác
Nhiều hộ dân ở Trấn Yên đã thoát nghèo và vươn lên khá giả từ nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Cuối năm, gió heo may đã về cũng là lúc bà con nông dân đang dần kết thúc một năm của nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đi dọc hai bên bờ sông Hồng đến các vùng dâu: Minh Tiến, Y Can, Quy Mông, Nga Quán, Việt Thành, Báo Đáp… không còn xanh mướt một màu. Đã về cuối vụ, bà con tranh thủ hái lứa dâu cuối cùng để chuẩn bị đốn cây cho một mùa vụ mới.

Trung tâm Thiết bị âm thanh R8 Tuân Linh là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thu nộp ngân sách tại thị trấn Yên Bình.

Đến giữa tháng 11/2019, thị trấn Yên Bình đã thu ngân sách đạt 5 tỷ 268 triệu đồng, bằng 117,5 % kế hoạch huyện giao; trong đó, thu tiền giao đất đạt trên 3,4 tỷ đồng, bằng 170% kế hoạch.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra một cơ sở sản xuất khô bò cung ứng tết

Trong thời gian từ ngày 15-12-2019 đến hết ngày 25-3-2020, sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành từ thành phố đến cấp phường, xã, thị trấn tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.

Các lực lượng tham gia dập lửa tại cuộc diễn tập ứng phó phòng chống cháy rừng và TKCN tại thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.

Sáng 27/11, UBND huyện Yên Bình tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2019 có một phần thực binh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục