Ngày 4/5/2019, trên địa bàn huyện Văn Chấn xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) đầu tiên tại thị trấn Nông trường Trần Phú. Đến nay, cơ sở bị bệnh dịch cuối cùng tại xã Thạch Lương ngày 21/10/2019 đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch. Tổng số lợn mắc bệnh dịch buộc phải tiêu hủy là 2.161 con, trọng lượng 110.972 kg, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của người chăn nuôi. Hiện tại, dịch bệnh đã được khống chế, giá lợn hơi tăng cao (dao động ở mức 75.000 - 77.000 đồng/kg) nhưng người chăn nuôi ở Văn Chấn vẫn đang cân nhắc việc có nên tái đàn.
Trước đây, gia đình anh Hoàng Văn Doan, xã Sơn A chăn nuôi lợn thịt hàng trăm con/năm. Do năm 2019, khi BDTLCP kéo dài, nguy cơ bùng phát cao nên anh chưa mặn mà tái đàn. "Nhận được thông báo của huyện về việc hết BDTLCP trên địa bàn, giá lợn hơi tăng cao nhưng gia đình tôi cũng đang thận trọng trong việc tái đàn” - anh Doan chia sẻ.
Gia đình anh Đinh Hải Tâm ở xã Sơn Thịnh cũng đang trong tâm thế nghe ngóng có nên quyết định mở rộng việc tái đàn lợn hay không. Anh Tâm bày tỏ: "Gia đình tôi chăn nuôi lợn nhiều năm nay và rút kinh nghiệm từ những năm trước khi giá lợn hơi tăng giảm bất thường, đặc biệt trên địa bàn huyện có BDTLCP và hiện tại giá lợn hơi tăng quá cao nhưng tôi vẫn chưa tái đàn mà chỉ chăn nuôi an toàn sinh học để tiếp tục xem diễn biến giá cả và các khuyến cáo từ nhà chuyên môn mới quyết định đầu tư”.
Huyện Văn Chấn hiện có trên 98.000 con lợn, trong đó, gần 13.000 lợn nái, 188 con lợn đực, số còn lại là lợn thịt và lợn con. Nhiều hộ khá lên nhờ chăn nuôi lợn, đặc biệt với giá lợn hơi tăng mạnh như hiện nay là điều đáng mừng cho nông dân. Tuy nhiên, người chăn nuôi vừa phải chống chọi với BDTLCP, khiến nhiều hộ đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh này và việc tái đàn, nhân rộng đàn lợn đang được người dân thận trọng.
Đồng chí Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: ngày 27/11, huyện đã ra thông báo về việc hết BDTLCP trên địa bàn. Theo đó, các hoạt động về mua bán, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn trong địa bàn huyện được phép thực hiện trở lại bình thường theo quy định hiện hành; đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh, đường lây lan và các biện pháp phòng, chống; vận động các hộ chăn nuôi lợn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh khu vực chăn nuôi như: mua vôi bột rắc và phun khử trùng tiêu độc thường xuyên, không cho người vào khu vực chăn nuôi, không nhập lợn, sử dụng thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, việc tái nhập đàn lợn cho chăn nuôi, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn thông báo cho hộ chăn nuôi lợn thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và khi tái đàn yêu cầu phải đảm bảo an toàn bệnh dịch, số lượng nhập đàn tăng dần, nguồn gốc nhập lợn rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, có các giải pháp bảo đảm đủ lượng thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân với giá cả hợp lý, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Văn Tuấn