Thế mạnh địa phương
Hồ Thác Bà là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 19.000 ha mặt nước, hơn 1.300 đảo lớn nhỏ. Hồ có độ sâu hơn 40 m, có các đảo cây xanh, nước sạch và ổn định, nên việc nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sản xuất an toàn, ATLĐ trong nuôi cá lồng, nuôi cá trong eo ngách, đồng bào Cao Lan, Dao, Tày của huyện Yên Bình đã và đang gặt hái những thành công ấn tượng.
Theo thống kê, toàn huyện Yên Bình có diện tích mặt nước hồ Thác Bà trên 15.000 ha, trên 500 ha diện tích ao hồ nhỏ, đập thủy lợi để nuôi cá; sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 đạt trên 4.550 tấn, tăng 2.850 tấn so với năm 2011.
Trong đó, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên đạt trên 2.100 tấn, sản lượng nuôi cá ao hồ nhỏ xấp xỉ 800 tấn, sản lượng nuôi cá eo ngách đạt hơn 700 tấn, sản lượng nuôi cá lồng đạt 900 tấn và trên 1.000 tấn tôm các loại.
Để thúc đẩy kinh tế vùng hồ Thác Bà phát triển, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cho cá nhân; 5 triệu đồng/lồng cho các tổ chức, doanh nghiệp, HTX nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên; và hỗ trợ 20.000đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.
Ông Lã Tuấn Hưng - Phòng NN&PTNT huyện Yên Bình, cho biết từ khi áp dụng khoa học công nghệ để nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, trung bình mỗi hộ dân sau một chu kỳ nuôi cá từ 10-12 tháng có thể thu lãi từ 25-30 triệu đồng/lồng.
Đẩy mạnh liên kết
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, huyện Yên Bình đã mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với ATLĐ, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản.
Do đó, đến tháng 6/2019, trên địa bàn huyện đã có 2 doanh nghiệp, 5 HTX, 11 tổ hợp tác, cùng với trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà; ngoài ra, có khoảng 15% dân số ở 20 xã, thị trấn ven hồ sinh sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản từ hồ.
Ngay từ đầu năm 2018, huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản theo chuỗi gắn với ATLĐ, đẩy mạnh chế biến sâu để xuất khẩu sản phẩm cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng sang thị trường Mỹ, châu Âu, châu Phi… trong thời gian tới; từng bước tháo gỡ bài toán phát triển nuôi trồng thủy sản, đưa tỷ trọng thủy sản chiếm hơn 20% cơ cấu nông - lâm nghiệp của huyện (tăng hơn 2 lần so với trước năm 2015).
Ngoài ra, huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản theo đúng quy trình kỹ thuật, chú trọng ATLĐ. Đặc biệt, kể từ năm 2016, huyện áp dụng nuôi lồng bằng lưới khung sắt kiên cố có thể tích trên 100m3, dễ chăm sóc, sản lượng cá đạt từ 2,5 - 3 tấn/lồng/năm, mỗi lồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho trên 130 hộ gia đình. Bên cạnh đó, có 40 hộ nuôi cá quây lưới với diện tích từ 1 - 8 ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm cao hơn 1,5 lần so với nuôi cá trong ao, hồ nhỏ.
(Theo doanhnghiepvn.vn)