EVN công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/12/2019 | 2:34:10 PM

Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.737,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.

Buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và kế hoạch cung cấp điện năm 2020.
Buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và kế hoạch cung cấp điện năm 2020.

Nhằm minh bạch chi phí sản xuất kinh doanh điện, ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện năm 2020.

Báo cáo tại buổi công bố, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN do kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) kiểm toán; báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện và các tài liệu khác.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đ/kWh (tăng 3,58% so với năm 2017).

Cụ thể, khâu phát điện có chi phí là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đ/kWh; khâu truyền tải điện có chi phí là 19.690,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 102,36 đ/kWh. Chi phí truyền tải đã bao gồm cả khoản phân bổ số dư chênh lệch tỷ giá chưa được tính vào giá thành điện tại 31/12/2015 của Tổng công ty với giá trị phân bổ năm 2018 là 1.828,22 tỷ đồng.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đ/kWh. Trong đó đã bao gồm cả chi phí bù lỗ cho các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia như Phú Quý, Côn Đảo, Trường Sa, Bạch Long Vĩ, đảo bé Lý Sơn…; và chi phí cho khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.322,81 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,88 đ/kWh.

Năm 2018, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 192,36 tỷ kWh, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.731,04 đ/kWh)

Các khoản thu nhập từ thanh lý; nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi; thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện; cho thuê nhà khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của các dự án nguồn điện của EVN đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Như vậy, trong năm 2018, EVN lãi 698,7 tỷ đồng, tương ứng mức lợi nhuận sau thuế đạt 0,47% trên vốn chủ sở hữu. Số lãi này đã giảm mạnh so với năm trước đó.

Trước đó, năm 2017, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện, EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra nguyên nhân mức lãi năm 2018 giảm do chi phí phát điện của EVN đã tăng mạnh so với năm 2017. Cụ thể, lượng nước về các hồ thủy điện hụt 12 tỷ m3 khiến huy động từ nguồn khác như: dầu, than, tua bin khí... tăng cao. Ngoài ra, giá nhập khẩu than, dầu, khí... cũng tăng mạnh. Giá than tăng trên 20%, giá dầu tăng 20-22% (tùy loại). Trong khi đó, tỷ giá USD cũng tăng 1,37% so với năm 2017 ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của nhiều nhà máy điện trên cả nước.

Với tình hình trên, ông Nguyễn Anh Tuấn dự báo, năm 2020 sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019. Theo đó, dựa vào phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Dù vậy, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong cung cấp điện; trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành…

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác

Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh cho vật nuôi, tránh cho vật nuôi ăn đồ ôi thiu, nhiễm khuẩn.

Vốn đầu tư thấp, sản xuất đơn giản, công chăm sóc không nhiều nhưng giá trị sản phẩm cao… là những ưu điểm của mô hình trồng nấm đang được nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố Yên Bái chọn làm hướng phát triển kinh tế. Hộ chị Phạm Thị Hoa, thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo là một điển hình.

Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá cuối năm 2019.

Xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao trong khu vực kinh tế tập thể là đòi hỏi của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Yên Bái đã nghiêm túc và chủ động triển khai thực hiện những giải pháp thiết thực, trong đó có hoạt động giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục