Gia đình ông Tô Văn Tâm, thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai là một trong những hộ canh tác có hiệu quả từ diện tích dưới cốt nước hồ. Lúc đầu chỉ làm vài sào lúa, ngô, lạc rồi tình cờ về vùng xuôi thấy người dân trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông đưa vào trồng thử nghiệm. Vụ đầu, ông Tâm trồng 3 sào và thấy hiệu quả nên vụ sau tăng dần rồi đến năm 2019 trồng gần 2 ha bằng hình thức rải vụ đã mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng.
Ông Tâm cho biết: "So với trồng lúa, ngô, lạc thì trồng dưa cho hiệu quả cao hơn nhiều. Bình quân 1 sào dưa nếu được giá khoảng 8.000 đồng/kg sẽ cho thu khoảng 4 triệu đồng và nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thu nhập còn cao hơn”.
Gia đình ông Lưu Ngọc Long cùng thôn cũng vậy. Với gần 2 ha diện tích dưới cốt hồ, vụ nào ông cũng thu về khoảng 100 triệu đồng từ trồng dưa, lạc. Ngôi nhà khang trang gần tỷ đồng của ông đều nhờ vào thành quả canh tác dưới cốt hồ.
Ông Long cho biết: "Thời vụ trồng các loại cây màu dưới cốt hồ khoảng 3 tháng kể từ khi nước hồ rút, chủ yếu là những cây trồng vụ xuân. Nếu biết tính toán phù hợp để đưa các loại cây màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc thì hiệu quả kinh tế khá cao. Đất dưới cốt hồ rất phù hợp với ngô, lạc, dưa hấu, dưa lê. Nếu có đầu ra ổn định, có liên kết bao tiêu sản phẩm thì người dân chúng tôi yên tâm sản xuất và chuyện làm giàu từ canh tác dưới cốt hồ cũng không khó khăn”.
Là xã vùng 3 của huyện Yên Bình, xã Xuân Lai chỉ có 166 ha lúa 2 vụ, ngành nghề dịch vụ chậm phát triển, đời sống nhân dân nhiều khó khăn. Những năm qua, xã tập trung vận động nhân dân tranh thủ khi nước rút tập trung gieo trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao để tăng thêm thu nhập. Mặc dù diện tích dưới cốt hồ không nhiều (dao động từ 40 - 80 ha), song việc tận dụng những diện tích đất dưới cốt hồ để gieo trồng các loại cây màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết: đối với những diện tích dưới cốt hồ, xã không thực hiện việc giao khoán, giao chỉ tiêu mà chỉ vận động nhân dân tập trung sản xuất. Những hộ có thâm niên canh tác lâu năm nên học hỏi, đưa các loại cây màu có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để canh tác hiệu quả, xã mong các ngành chức năng của tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ giống, phân bón, kiến thức khoa học, kỹ thuật, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm để người dân yên tâm canh tác.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, diện tích đất bán ngập dưới cốt hồ hàng năm giao động từ 600 - 1.000 ha. Những diện tích này tập trung nhiều nhất ở các xã: Mông Sơn, Phúc An, Xuân Lai, Mỹ Gia, Phúc Ninh, Cảm Nhân.
Với diện tích bán ngập này, hàng năm nông dân các xã vùng Đông Hồ canh tác khoảng 130 ha lúa nước, 300 ha lạc, ngô 300 ha và 100 ha dưa hấu, dưa lê. Nếu tính giá trị kinh tế, mỗi vụ canh tác cũng mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho nông dân.
Năm 2004, Huyện ủy Yên Bình có chủ trương đưa các loại cây màu, cây nông nghiệp vào gieo trồng diện tích đất bán ngập dưới cốt nước hồ và đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: đối với những diện tích đất bán ngập dưới cốt nước hồ, huyện không giao khoán diện tích cho các xã cũng như không giao chỉ tiêu. Hàng năm, Phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã có những diện tích dưới cốt hồ tập trung vận động nhân dân đưa các loại cây màu vào gieo trồng theo hình thức nước rút đến đâu trồng đến đó; tập trung trồng rải vụ, chủ lực là ngô, lạc và mới đây là cây dưa hấu, dưa lê. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng giống chất lượng cho nông dân cũng như có kế hoạch thu mua đảm bảo đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.
Thanh Tân