Thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và nhân dân, năm 2019, lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giao.
Trong năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.914 lao động, đạt 102% kế hoạch, trong đó: từ phát triển kinh tế - xã hội 11.703 người, đạt 94,4% kế hoạch; từ vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm là 2.097 người (665 dự án, kinh phí giải ngân là 30.045 triệu đồng), đạt 123% kế hoạch; từ xuất khẩu lao động 1.214 người, đạt 116% kế hoạch; làm việc ở tỉnh ngoài 5.900 người, đạt 110% kế hoạch.
Cùng với giải quyết việc làm, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 30.516 người, đạt 101,7% kế hoạch, trong đó: đào tạo trong tỉnh 18.959 người (chiếm 62,1%), đào tạo ngoài tỉnh 11.557 người (chiếm 37,9%), gồm: cao đẳng là 1.973 người, đạt 94% kế hoạch; trung cấp 3.649 người, đạt 125,8% kế hoạch; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, 24.894 người, đạt 99,6% kế hoạch; có 5.315 người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956.
Hết năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 29,4%. Có 6.372 lao động đã chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 120,2% kế hoạch), giảm tỷ lệ số lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 61,7%. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần để toàn tỉnh có 13.682 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 11,56%.
Kết quả trên là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh trong chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương, đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ trong giao chỉ tiêu, phân bổ kinh phí đào tạo cho các địa phương, các trường; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm nhất là một số thị trường trọng điểm ngoài nước có mức tăng trưởng cao như Đài Loan, Nhật Bản; đẩy mạnh 665 chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội...
Trong đó, từ làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT mà tỷ lệ học sinh chuyển sang học nghề đã tăng nhanh.
Các cơ sở đào tạo như: Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Lục Yên đã ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp như: Tập đoàn LG Electronics Hải Phòng, Công ty TNHH LG EVH, Công ty TNHH Unico Global, Công ty TNHH Vina KNF, Công ty cổ phần Du lịch xanh Thịnh Đạt; Công ty TNHH Vina ô tô Hòa Bình...
không chỉ đào tạo mà còn cung ứng hàng ngàn lao động theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Hơn thế, nhiều cơ sở (Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Cao đẳng Y tế) đã phối hợp với doanh nghiệp đủ điều kiện để kết hợp đào tạo thêm tiếng Nhật, tiếng Hàn cho học sinh, sinh viên để đáp ứng yêu cầu tham gia xuất khẩu lao động sau khi ra trường.
Trong năm, với trên 145 doanh nghiệp thành lập mới, cùng hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyển dụng hàng ngàn lao động của tỉnh... từ đó đã góp phần để đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả.
Với mục tiêu năm 2020: giải quyết việc làm cho 18.000 lao động; tuyển mới đào tạo nghề 17.500 người, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 63,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%; chuyển dịch 6.300 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 60,1%, lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 39,9%...
Cùng sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội sẽ tham mưu với tỉnh, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung: tăng cường hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động; thực hiện hiệu quả Đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Nâng cao hiệu quả khai thác thông tin cung cầu lao động, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cung ứng lao động qua đào tạo; tăng cường thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động nhằm hỗ trợ lao động tìm việc làm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động; đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao (thị trường Hàn Quốc, Nhật, Trung Đông…); tăng cường nguồn vốn cho quỹ phát triển việc làm, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, giải ngân nhanh cho người lao động, tăng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm...
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội về đào tạo nghề nhằm tăng tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề theo mục tiêu phân luồng của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo qua việc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới phương pháp đào tạo, gắn kết hoạt động đào tạo với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Nguyễn Đình