Cùng với đó, kẻ xấu, nhất là các thế lực phản động, thù địch lợi dụng sự khiếm khuyết trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Chúng còn lợi dụng vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng để xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội ta. Vậy, làm gì để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được thuận lợi, tránh phát sinh những điều bất lợi? Đó là câu hỏi, là bài toán cần có lời giải.
Minh bạch các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng nói chung và dự án nói riêng là điều tiên quyết. Có thể nói, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của các địa phương đang từng bước hoàn thiện.
Trên lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng tương đối đầy đủ; trong quá trình xây dựng văn bản, các nhà làm luật, các nhà quản lý đều tính đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Chủ trương, chính sách, pháp luật cần được tuyên truyền thường xuyên và liên tục; đặc biệt là việc tuyên truyền đến những đối tượng trong diện giải phóng mặt bằng.
Trong trường hợp cụ thể một địa phương, một dự án nào đó thì việc tuyên tuyền chính sách nói chung và dự án đó nói riêng càng phải được tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và rõ ràng hơn.
Thông qua việc tuyên truyền, người dân trong vùng dự án phải thấy được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; thấy được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài khi dự án được triển khai; trong đó đặc biệt chú ý đến những chính sách đền bù đối với đất đai, hoa màu, vật kiến trúc cũng như nguồn hỗ trợ khác mà người dân được hưởng…
Thực hiện việc kiểm đếm và áp giá đền bù phải chính xác và hướng tới cái lợi cho dân! Khi chính sách đền bù và thông tin về dự án được tuyên truyền kỹ lưỡng, người dân đã hiểu rõ thì việc thực hiện công tác kiểm đếm phải thực sự chính xác, có sự tham gia của đầy đủ các thành phần; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng thông đồng nâng khống khối lượng nhằm tham ô tiền của chủ đầu tư; không để xảy ra thiếu sót, nhất là thiếu diện tích, thiếu số lượng, sai về chủng loại, tuổi đời, giá trị…; trước khi ký vào biên bản thống kê thì người dân phải được đọc, nghe lại nội dung biên bản.
Việc các cán bộ thực hiện việc kiểm đếm một cách công tâm, khách quan, đúng quy trình… có ý nghĩa rất quan trọng; ngược lại, việc kiểm đếm thiếu sót, dù chỉ là những thiếu sót nhỏ; đặc biệt là việc thông đồng, dễ dãi, cả nể trong quá trình kiểm đếm sẽ rất dễ phát sinh những thắc mắc, khiếu kiện, ảnh hưởng đến cả quá trình giải phóng mặt bằng.
Quá trình kiểm đếm cần đặt lợi ích của người dân lên trên và theo đúng hiện trạng thửa đất, cây cối hoa màu, vật kiến trúc hiện có, thí dụ trên thửa đất lâm nghiệp người dân đã trồng chè lâu năm hoặc đã đào ao thả cá thì cần bồi thường cây chè hoặc ao cá để người dân không bị thiệt thòi.
Thực hiện thật tốt chính sách hỗ trợ người dân sau giải phóng mặt bằng là điều vô cùng cần thiết. Phần lớn việc hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng đều có các chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống, chuyển đổi ngành nghề… Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngành nghề, tìm việc làm mới thường "khoán trắng” cho dân (tất cả đều quy bằng tiền, chi trả cho dân một lần).
Cách làm này không sai nhưng rất kém hiệu quả, thực tế rất nhiều hộ dân nhận được một khoản tiền bồi thường hỗ trợ lớn nhưng không đủ kiến thức, kinh nghiệm, trình độ quản lý nên đã chi dùng bừa bãi và chỉ một thời gian ngắn sau đã thiếu đói ngay trong những ngôi nhà lớn với nhiều tài sản có giá trị; con cái mải chơi, mắc vào tệ nạn xã hội, vợ chồng ly tán…
Từ thực tiễn trên, chúng ta cần phải làm thật tốt công tác đào tào nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, phù hợp với khả năng, điều kiện và lứa tuổi của họ; đặc biệt, phải yêu cầu chủ đầu tư triển khai các dự án lớn, sử dụng nhiều đất… phải có chính sách thu hút, sử dụng lao động tại địa phương, ưu tiên những người trong các gia đình phải giải tỏa.
Kinh nghiệm cứ thu hồi 2 sào ruộng thì được 1 lao động làm việc trong dự án với mức lương cao hơn thu nhập từ làm ruộng nhiều lần của Tập đoàn Vingroup khi triển khai các dự án bất động sản lớn hay ở khu du lịch Tràng An, Ninh Bình rất đáng được học tập và triển khai.
"Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, mọi tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng nói riêng.
Thực tiễn cuộc sống cho thấy, trong khi rất nhiều người sẵn sàng hiến đất nhà mình để làm đường giao thông, làm nhà văn hóa cộng đồng thì vẫn còn không ít người mang lòng tham vô đáy, coi tiền đền bù của Nhà nước như "bình sữa tươi”, tìm đủ mọi cách để "hút”; họ chây ỳ, mặc cả, gây khó khăn với hội đồng giải phóng mặt bằng, với cán bộ, viên chức làm nhiệm vụ thống kê, kiểm đếm, cho tới khi nào không lấy được tiền của Nhà nước nữa thì mới thôi.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa là mọi công dân bình đẳng trước pháp luật và pháp luật phải được thực thi đầy đủ, công bằng. Với những hành vi chây ỳ, chống đối, vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ, lôi kéo, tụ tập đông người trái pháp luật… đều phải được xử lý nghiêm.
Khi đã triển khai đúng, đủ các chính sách, khi quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy trình và nhất là khi đã tuyên truyền kỹ lưỡng nhưng đối tượng không chịu hiểu hoặc hiểu nhưng không nghe, không chấp hành thì việc cưỡng chế cũng cần được áp dụng.
Lê Phiên