Tại tỉnh Yên Bái, dịch LMLM cũng đã xuất hiện trên địa bàn 3 thôn của xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Từ ngày 17/12/2019 đến ngày 4/01/2020, dịch LMLM xảy ra tại 25 hộ, với tổng gia súc mắc bệnh là 59 con, bao gồm 29 con trâu, 16 con bò và 14 con lợn.
Trước tình hình dịch LMLM có biểu hiện bùng phát trên diện rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp trên 425 liều vắc xin tiêm phòng bao vây vùng dịch và gần 60 lít hóa chất tiến hành tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc khử trùng để bao vây dập dịch. UBND huyện Văn Yên cũng đã ra Quyết định số 2651/QĐ-UBND ngày 21/12/2019 công bố dịch LMLM trên địa bàn huyện.
Thực hiện công điện số 8799 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã có công văn yêu cầu các sở ban ngành đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng chống bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, nhất là dịp giáp tết Nguyên đán và đầu năm 2020.
Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Chi cục đã chủ động cử cán bộ thú y giám sát dịch bệnh tại địa bàn, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra giám sát việc vận chuyển động vật sản phẩm động vật vào địa bàn; tăng cường kiểm tra giám sát dịch bệnh, chuẩn bị cung ứng đầy đủ vắc xin, thuốc sát trùng để chủ động phòng, chống dịch”.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh LMLM; nhanh chóng khống chế, dập tắt các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, đặc biệt là huyện Văn Yên tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra phòng chống dịch bệnh; quản lý, giám sát lâm sàng, thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi; đặc biệt tập trung vào vùng đang có dịch, các khu vực có nguy cơ cao như chợ buôn bán, điểm thu gom lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn, phương tiện vận chuyển...; thực hiện nghiêm kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Ngành nông nghiệp đã huy động và tăng cường cán bộ chuyên môn để phối hợp với địa phương đang có dịch thực hiện bao vây, khống chế, dập tắt không để dịch lây lan ra diện rộng; kiểm tra, giám sát, cảnh báo nguy cơ đối với những vùng chưa xảy ra dịch; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để hạn chế lây lan; cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc - xin, thuốc sát trùng để triển khai tiêm phòng, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh; cập nhật, báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày để chỉ đạo xử lý kịp thời.
Cùng đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM để người chăn nuôi biết và chủ động trong phòng, chống; khi phát hiện gia súc có dấu hiệu mắc bệnh phải thông tin, báo cáo và tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán, vận chuyển trái phép gia súc, sản phẩm gia súc trong những vùng đã xảy ra bệnh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm...
Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp cộng với dịp lễ, tết đang đến gần, nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm từ thịt lợn tăng cao, việc bảo vệ số đàn lợn còn lại của bệnh dịch tả lợn châu Phi rất cần sự tiếp tục vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hồng Duyên