Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của CCB Nguyễn Bá Đế, thôn Tân Thành, xã Tân Nguyên, trong căn nhà khang trang, ông Đế cho biết: "Năm 1972, tôi xuất ngũ, lúc ấy cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Các con còn nhỏ, ruộng vườn không có người làm gần như bỏ hoang. Tuy nhiên, với suy nghĩ, phải quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, tôi bắt tay vào khôi phục kinh tế gia đình từ con số không”.
Nghĩ là làm, ngoài việc cải tạo lại vườn tạp, ông Đế còn đi tham quan một số mô hình trồng quế ở huyện Văn Yên và quyết định trồng 1,7 ha quế trên diện tích đất đồi của gia đình. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Đế vay mượn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi hơn 100 con lợn thịt, 1.000 con gà thương phẩm và 3 sào ao thả cá.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn tại xã và tìm kiếm thông tin trên sách báo nên mô hình kinh tế tổng hợp của ông Nguyễn Bá Đế ngày càng phát huy hiệu quả, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đế luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ bà con trong thôn. Nhiều năm liền, ông Đế được bình chọn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
Với CCB Phạm Văn Hùng, thôn Đại Thân, xã Đại Minh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và bị nhiễm chất độc hóa học nên 3 trong 5 người con của ông bị ảnh hưởng di chứng chiến tranh, trong đó, có 2 người con đã mất.
Không bị khuất phục trước khó khăn, ông Hùng tích cực phát triển kinh tế gia đình theo hướng trồng bưởi. Được địa phương tạo điều kiện tham gia vào các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tham gia vào các dự án phát triển sản xuất như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm bưởi Đại Minh.
Đến nay, ông Hùng đã gây dựng được cơ ngơi khang trang với 260 gốc bưởi Đại Minh, 1 ha keo, 1 sào ao. Mỗi năm, gia đình ông Hùng có thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ một CCB trở về với nỗi đau chiến tranh, ông Phạm Văn Hùng vươn lên trở thành tấm gương sáng trên mặt trận xóa đói giảm nghèo.
Ông Hùng tâm sự: "Chiến tranh lửa đạn của quân thù không thể thắng được tinh thần và ý chí của những người lính như chúng tôi. Vậy nên, trong cuộc sống hôm nay dù có khó khăn đến mấy, tôi cũng như các đồng chí, đồng đội đều kiên cường vượt qua. Có như thế, mới xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Không chỉ gia đình ông Đế, Ông Hùng, thời gian qua, phong trào thi đua phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo đã được các cấp hội CCB từ huyện đến đến cơ sở triển khai sâu rộng ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Hiện tại, Hội CCB huyện Yên Bình còn duy trì có hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nhân CCB với 13 thành viên là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại.
Mặc dù kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, cơ khí, vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải… nhưng các thành viên trong câu lạc bộ đều tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất bao tiêu sản phẩm, giúp đỡ về giống, vốn và tích cực trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển. Tổng doanh thu của các thành viên câu lạc bộ hàng năm đạt trên 50 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho 200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định, dù trong lửa đạn của chiến tranh năm xưa hay trên mặt trận xóa đói giảm nghèo hôm nay, các CCB huyện Yên Bình luôn là người đi đầu. Họ không chỉ biết làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ đồng đội cùng nhau vươn lên trong cuộc sống; từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Anh Dũng