Triển vọng cây chanh leo ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/1/2020 | 1:53:33 PM

YênBái - Tháng 3/2019, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn xây dựng phương án và hỗ trợ người dân 2 xã: Thượng Bằng La, Phù Nham trồng chanh leo với tổng diện tích 25 ha.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh leo.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh leo.

Với 1.000 m2 đất của gia đình chị Lò Thị Diêu ở thôn Chanh, xã Phù Nham trước kia vốn để trồng rau màu. Từ khi có phương án trồng chanh leo tại xã, chị đăng ký tham gia ngay bởi trồng rau có thu nhập nhưng không cao và chị vẫn luôn mong muốn được thử nghiệm những giống cây mới với hy vọng làm giàu. Được hỗ trợ tận tình về kỹ thuật và chi phí làm giàn, phân bón chị Diêu chỉ phải bỏ vốn ban đầu khoảng 5 triệu đồng. 

Chị Diêu chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng lo lắng bởi đây là giống cây mới, kỹ thuật chưa vững lại không biết cây trồng này có phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có đậu quả hay không rồi tiêu thụ như thế nào. Nhưng giờ đây, 1.000 m2 đất trồng chanh leo sau 6 tháng trồng đã cho quả, thu tỉa trong vòng 3 tháng, sản lượng vụ đầu tiên này đạt 7 tạ. Hơn nữa, trồng chanh leo không quá vất vả; phụ nữ, người già đều có thể tự trồng và cũng có thể tận dụng diện tích đất dưới tán trồng thêm một vụ rau màu, tăng thêm thu nhập”. 

Không chỉ chị Diêu, 52 hộ dân ở xã Phù Nham, với 10 ha đất trồng chanh leo cũng cho kết quả tương tự, năng suất đạt 5 tấn/ha. Ngay sau đó, Tổ hợp tác Chanh leo Đài Nông 1, với 52 thành viên cũng được thành lập trở thành nơi trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết bao tiêu. 

Chanh leo là giống cây trồng mới, lần đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đất Văn Chấn, song sau gần 1 năm trồng đã thấy rõ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. 

Bà Hoàng Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn cho biết: "Tổng sản lượng chanh leo mà 79 hộ dân ở 2 xã thu hoạch vụ này đạt khoảng 90 tấn, trong đó, Thượng Bằng La là 40 tấn, năng suất đạt 2,6 tấn/ha; còn Phù Nham đạt 50 tấn, năng suất 5 tấn/ha. Để có được những kết quả bước đầu này, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác chọn hộ tham gia, tổ chức 9 lớp tập huấn kỹ thuật, cử cán bộ trực tiếp theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện đúng kỹ thuật theo từng giai đoạn”. 

Bên cạnh sự sinh trưởng tốt, vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng đã được tháo gỡ bằng việc ký hợp đồng cam kết thu mua sản phẩm của Công ty Nafoods Tây Bắc. Theo đó, Công ty đã cam kết thu mua toàn bộ sản lượng chanh leo với bảo hiểm thu mua tối thiểu là 4.000 đồng/kg. Ngoài việc tuân thủ những quy định về kỹ thuật, không sử dụng thuốc chín sớm, chín muộn, thuốc bảo quản, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục Công ty quy định và cách ly tối thiểu 15 ngày trước khi thu hoạch, nhân dân cũng phải tuân thủ những quy định về phân loại dựa theo kích thước, trọng lượng, chu vi quả để áp dụng từng mức giá khác nhau dao động từ 4.000 đến 30.000 đồng/kg. 

Đây là thuận lợi, đồng thời cũng là khó khăn với nhân dân do chanh leo mới trồng nên tỷ lệ quả đạt tiêu chuẩn của Công ty để thu mua với giá trị cao còn thấp nên vụ này mới chỉ xuất bán cho Công ty được 18,5 tấn; số lượng còn lại nhân dân vẫn phải tự bán ra thị trường. 

Hơn nữa, do đặc tính của cây bắt đầu cho sản lượng lớn từ năm thứ 2 nên số lượng sản phẩm thu mua trong ngày hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của phía Công ty. Dự kiến vụ chanh leo năm 2020, năng suất quả sẽ đạt khoảng 15 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 375 tấn/năm. 

Dù còn nhiều khó khăn khi phải thực hiện các kỹ thuật mới, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, song cây chanh leo hứa hẹn sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho nhân dân huyện vùng cao Văn Chấn.

H.A

Tags Triển vọng chanh leo Văn Chấn công ty Nafoods Tây Bắc

Các tin khác
Cựu chiến binh Phạm Văn Hùng, xã Đại Minh, huyện Yên Bình (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi với đồng đội.

Trở về với cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) huyện Yên Bình vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trở thành những “chiến binh” trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo và gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Nông dân huyện Yên Bình làm đất gieo cấy vụ xuân 2020.

Qua khảo sát, huyện Yên Bình diện tích có khả năng bị hạn năm 2020 khoảng 596 ha. Cụ thể, diện tích hạn vụ đông xuân năm 2019 - 2020 khoảng 298 ha.

Thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Trấn Yên đã xuất hiện nhiều điển hình trong sản xuất, kinh doanh, nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong hội viên nông dân.

Bà Nguyễn Thị Dung chuẩn bị khay để quải mạ.

Vụ lúa xuân năm 2020, hộ bà Nguyễn Thị Dung ở thôn Đông Thịnh, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái sẽ gieo cấy 2,7 sào. Bà chọn mua 4 kg giống lúa thuần Thiên ưu 8 tại một cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp có uy tín tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục