Nhằm triển khai có hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của tỉnh, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường thông qua việc mở các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch lở mồm, long móng trên gia súc; kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra tem, nhãn giả mạo nhãn mác "Made in vietnam”; triển khai quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; triển khai các biện pháp chống lại hành vi thương mại động thực vật hoang dã bị khai thác trái phép; tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản...
Cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm giúp người tiêu dùng và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thêm kiến thức, kinh nghiệm phân biệt hàng thật, hàng giả, tránh mua, nhập phải hàng kém chất lượng, năm 2019, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức 12 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn trực tiếp cho người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo an toàn tại 12 xã thuộc địa bàn các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh tổ chức 4 cuộc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng, biết cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong năm, Cục QLTT tỉnh và các đội QLTT đã kiểm tra 1.097 vụ, xử lý 745 vụ với 767 hành vi, phạt hành chính hơn 1,3 tỷ đồng, bán hàng tịch thu 762.244.000 đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2.110.285.000 đồng, trị giá hàng tiêu hủy 565.710.000 đồng, tổng giá trị thực hiện cả năm đạt 2.675.995.000 đồng.
So với cùng kỳ năm 2018, số vụ kiểm tra, số vụ xử lý, số hành vi, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đều giảm. Các mặt hàng có thương hiệu bị làm giả được phát hiện và xử lý chủ yếu là giầy, dép, quần, áo giả mạo nhãn hiệu NiKe, Adidas, Lacoste, Gucci; mì chính giả mạo nhãn hiệu Ajnomoto; dầu gội đầu giả mạo nhãn hiệu Clear, Dove, Sunsilk; mũ bảo hiểm xe máy, dầu nhờn, mũ bảo hiểm, phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda…
Xác định rõ tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động buôn lậu thường nổi lên vào những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao nên để triển khai thực hiện hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các đội QLTT triển khai tập trung kiểm tra quyết liệt vào một số mặt hàng như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như vải, phụ kiện may mặc, quần áo, giầy dép; bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, mì chính, tinh bột và các sản phẩm từ bột; điện tử, điện máy...
Trong năm 2020, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ, công chức; tăng cường thông tin, dự báo tình hình thị trường, theo dõi sát những diễn biến của thị trường để chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra; xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với một số mặt hàng như: thuốc lá, kinh doanh gas, xăng dầu; thương mại điện tử áp dụng công nghệ số Zalo, facebook...
Hồng Oanh