Năm 2019, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (BVR - PCCCR) có nhiều chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bảo vệ 216.685,8 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng trên, được người dân các địa phương nhận trông coi bảo vệ tốt thông qua hợp đồng giao khoán.
Để bảo vệ tốt vốn rừng hiện có và phát triển rừng ngay tại cơ sở, lực lượng kiểm lâm đã bố trí đủ cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn ở tất cả các xã, phường, thị trấn để kịp thời tham mưu giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý BVR, quản lý lâm sản và PCCCR tại địa phương. Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và chính quyền địa phương đã được duy trì thường xuyên.
Những thông tin quân báo, mật vụ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh về các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và cháy rừng trên địa bàn đã được trao đổi kịp thời; vì thế, các địa phương đã có kế hoạch, biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, chế biến, tàng trữ lâm sản và động vật rừng trái phép trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tại cơ sở; các vụ việc vi phạm đã được xử lý kịp thời, đúng pháp luật không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra và xử lý 147 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và đã xử lý 118 vụ, tịch thu 54,926 m3 gỗ, 2 ô tô, 26 xe máy, thu nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong công tác BVR - PCCCR; tuy nhiên, tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép vẫn xảy ra tại các địa phương như: Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép còn xảy ra ở một số địa bàn còn nhiều tài nguyên rừng như các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên. Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp và Phát triển rừng.
Theo nhận định của lực lượng chức năng, thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán, hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép thường diễn biến phức tạp. Các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép thường lợi dụng sự lơ là của đơn vị chức năng và chính quyền địa phương, các chủ rừng để tăng cường hoạt động, nhất là ở các địa phương còn giàu tài nguyên rừng. Đây cũng là giai đoạn khốc liệt của mùa khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn, đặc biệt là các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên.
Thực hiện kế hoạch BVR - PCCCR, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản trước, trong và sau tết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng chủ động thực hiện các phương án, quản lý BVR - PCCCR trong thời gian cao điểm cuối năm, dịp nghỉ lễ trước trong và sau tết Nguyên đán. Hiện tại, dựa vào điều kiện thực tế, các đơn vị quản lý BVR đã chủ động xây dựng phương án quản lý, BVR phù hợp theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Các hạt kiểm lâm cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chốt chặn, tuần tra, truy quét, kiểm soát lâm sản trong dịp tết ở các đơn vị nhằm xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Tại các xã vùng trọng điểm cháy rừng cũng đã chủ động xây dựng phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ” để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: đơn vị đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở, chủ rừng tăng cường tuần tra kiểm soát lâm sản tại các vùng trọng điểm, các vùng giáp ranh với các địa phương khác cũng như các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Trong thời gian nghỉ tết, tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ kiểm lâm, bảo đảm quân số trực có thể cơ động ngay để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trên địa bàn.
Văn Thông