Trên các cánh đồng đầy ắp tiếng cười nói và tiếng động cơ của những chuyến xe tấp nập chở đao riềng về xưởng chế biến tinh bột. Ngay từ sáng sớm, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn ở thôn Thịnh Bình chuẩn bị dao, cuốc để đi thu hoạch đao riềng trên đất soi, bãi. Diện tích đao riềng của ông Toàn nằm ngay đường giao thông mới được nâng cấp, trải nhựa nên rất thuận lợi cho vận chuyển đi tiêu thụ. Cây đao nhiều củ nặng, nằm chặt dưới lớp đất sâu nên việc thu hoạch phải là đàn ông khỏe mạnh.
Ông Toàn bập từng nhát cuốc chắc nịch xuống lớp đất rồi bẩy mạnh lên từng túm củ đao màu trắng ngà hiện ra. Ông phấn khởi: "Năng suất đao củ năm nay tốt lắm, mỗi gốc này trung bình phải tới 5 kg củ. Năm nay được mùa”.
Được biết, vụ đao riềng 2019, gia đình ông Toàn trồng 1,5 mẫu, năng suất 2,5 tấn/sào, giá hiện nay là 700 - 800 đồng/kg. Với giá này, vụ đao năm nay ông Toàn có thu nhập khoảng 60 triệu đồng, cao gấp ba lần so với trồng lúa. Cũng như gia đình ông Toàn, gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn Thịnh Bình đã gắn bó với cây đao riềng gần 20 năm nay.
Trải qua nhiều vụ thu hoạch, bà Nhung luôn phải chấp nhận sự bấp bênh không ổn định của thị trường. Đao riềng không phải năm nào cũng được giá, có năm giá đao chỉ dao động từ 400 - 500 đồng/kg, thậm chí còn không bán được nên nhiều hộ còn phải đào đao đổ xuống sông.
Năm 2019, gia đình bà trồng hơn 5 sào đao, với năng suất 2,5 tấn củ/sào, trừ các loại chi phí, phân bón, thuê người thu hoạch, thuê máy sơ chế tinh bột bà Nhung còn thu lãi gần 50 triệu đồng. Bà Nhung chia sẻ: "Ưu điểm lớn nhất trong việc trồng đao riềng là không phải mua củ giống và khi mới trồng người dân vẫn tận dụng để trồng xen canh thêm được 1 vụ ngô”.
Trước đây, người dân xã Quy Mông chủ yếu trồng đao bán củ cho thương lái nhưng 2 năm gần đây, bà con chuyển sang thuê các xưởng chế biến ra tinh bột rồi mới bán để được giá hơn. Hiện nay, ở xã Quy Mông có 4 xưởng sơ chế tinh bột đao, trung bình mỗi ngày một xưởng có thể sơ chế từ 15 đến 20 tấn đao củ.
Ông Nguyễn Duy Khanh - Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: "Hiệu quả từ cây đao riềng ở Quy Mông đã được khẳng định nên diện tích trồng mới tăng theo từng năm. Xã cũng đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng đất vườn, soi bãi để mở rộng diện tích. Năm 2019, xã Quy Mông gieo trồng hơn 40 ha đao riềng với năng suất trung bình gần 60 tấn/ha, sản lượng đao củ của xã ước đạt hơn 2.000 tấn, giá trị thu nhập gần 7 tỷ đồng”.
Nhận thức được giá trị kinh tế từ cây đao riềng, những năm gần đây, xã Quy Mông đã có nhiều giải pháp mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Xã đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển cây đao riềng theo hướng hàng hóa, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa từ khâu trồng đao, chế biến tinh bột đến làm miến đao.
Tuy nhiên, khi mở rộng diện tích, các cấp chính quyền cần chú trọng đến khâu bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bài học được mùa mất giá đã xảy ra rất nhiều không chỉ với sản phẩm đao riềng. Với mô hình sản xuất tự do, manh mún không có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ như hiện nay ở Quy Mông, người nông dân rất dễ bị tư thương ép giá.
Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên cần xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học thử nghiệm một số giống đao riềng, phân tích chất lượng tinh bột; từ đó, chọn ra bộ giống phù hợp với điều kiện của địa phương; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm đao riềng.
Anh Dũng